Những điển hình trong phong trào Lao động giỏi, lao động sáng tạo

(NTO) Từ phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” do tổ chức công đoàn phát động, đã xuất hiện nhiều tấm gương công nhân tiêu biểu, say mê nghiên cứu, tìm tòi, thực hiện nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, góp phần quan trọng nâng cao năng suất, hiệu quả lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất, cải thiện môi trường làm việc tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Nhân dịp đầu Xuân, chúng tôi đã “xông đất” một số điển hình lao động giỏi, lao động sáng tạo tiêu biểu.

 Hồ Phan Hiệp, cán bộ kỹ thuật điện Phòng Kỹ thuật-Sản xuất, Công ty CP Đường Biên Hòa-Phan Rang:

Hơn 22 năm gắn bó với nghề, anh Hồ Phan Hiệp, cán bộ kỹ thuật điện Phòng Kỹ thuật-Sản xuất, Công ty CP Đường Biên Hòa-Phan Rang luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, tư duy sáng tạo, có nhiều công trình sáng kiến cải tiến kỹ thuật ứng dụng vào thực tiễn, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất.

Trong số hàng chục công trình sáng kiến mang lại hiệu quả thiết thực của anh, phải kể đến như “Cải tiến bộ báo nước cấp tự động lò hơi LB 10-13”, “Hệ thống báo chống tràn đổ mật trong sản xuất đường”, “Đấu nối phân cực từ của động cơ điện máy ly tâm đường A”... và gần đây nhất đó là công trình “Lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời” cung cấp điện cho khối văn phòng của công ty. Anh Hiệp cho biết: Hướng đến tiết kiệm và sử dụng năng lượng sạch, năm 2016, công ty xây dựng Đề án Lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời. Vốn được đào tạo chuyên ngành về điện, đồng thời dưới sự hướng dẫn của đơn vị cung ứng thiết bị, đến cuối tháng 9, anh Hiệp đã cùng với anh em trong Phòng Kỹ thuật- Sản xuất nghiên cứu, tự lắp ráp, thực hiện thành công đề án, với tổng kinh phí 725 triệu đồng. Hệ thống được hòa vào mạng lưới điện của Công ty Điện lực Ninh Thuận cung cấp điện năng cho khối văn phòng của công ty. Trung bình mỗi ngày khối văn phòng công ty tiêu thụ khoảng 175 kW điện năng, trong đó hệ thống điện năng lượng mặt trời cung cấp 122 kW, mỗi năm giúp doanh nghiệp tiết kiệm gần 100 triệu đồng chi phí điện năng.

Từ kinh phí hỗ trợ của Tập đoàn Thành Thành Công và Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh, vài năm gần đây, công ty triển khai thực hiện dự án sử dụng năng lượng điện mặt trời để tưới nước cho cây mía, anh được công ty giao nhiệm vụ lắp đặt, hướng dẫn, bảo trì… hệ thống điện năng lượng mặt trời cho nông dân. Đến nay, đã có 24 hộ dân được lắp đặt hệ thống với tổng diện tích gần 100 ha. Anh Hiệp cho biết: Trước đây, đối với các ruộng mía ở xa, mạng lưới điện chưa vươn tới, các hộ trồng mía phải dùng máy chạy dầu, trung bình mỗi tháng mất khoảng 5-7 triệu đồng/ha. Việc sử dụng hệ thống năng lượng điện mặt trời giúp bà con tiết kiệm được khoản chi phí này, nâng cao lợi nhuận, thu nhập. Nhiều năm liền, anh Hiệp được công nhận danh hiệu Chiến sĩ Thi đua cơ sở.

Nguyễn Minh Phong, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật-Công nghệ, Công ty TNHH May Tiến Thuận:

Năm 2001, anh Nguyễn Minh Phong được nhận vào làm việc tại Công ty TNHH May Tiến Thuận và được công ty đưa đi đào tạo 18 tháng tại Trường Trung học Kỹ thuật May và Thời trang II TP. Hồ Chí Minh (nay là Trường Cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật Vinatex), chuyên về sửa chữa, khai thác thiết bị may công nghiệp. Sau khi học xong, anh được phân công làm việc tại bộ phận cơ điện thuộc Phòng Kỹ thuật-Công nghệ; năm 2015 được đề bạt lên Phó trưởng phòng. Hơn 15 năm công tác là quá trình phấn đấu không mệt mỏi, luôn say mê, miệt mài với công việc, để cho ra thành quả lao động tốt nhất, trong đó phải kể đến bề dày công trình sáng kiến cải tiến kỹ thuật do anh thực hiện. Điển hình năm 2016, sáng kiến “Máy nhồi lông vũ” được Hội đồng Khoa học Tổng Công ty đánh giá cao, áp dụng đem lại hiệu quả thiết thực. Anh Phong cho biết: Trong quá trình sản xuất mặt hàng áo jacket lông vũ phải qua nhiều công đoạn, trong đó công đoạn cuối cùng là nhồi lông vũ vào sản phẩm. Trước đây, công đoạn này được thực hiện bằng tay, nên nhiều sản phẩm có mật độ lông vũ không đồng đều, chưa đạt chất lượng như mong muốn, việc thực hiện an toàn vệ sinh lao động rất khó khăn.... Trên thị trường có máy nhồi lông vũ, tuy nhiên giá thành rất đắt. Để khắc phục những nhược điểm này, bản thân đã tự tìm hiểu và nguyên cứu ra máy nhồi lông vũ. Lông vũ được đưa vào sản phẩm bằng quạt gió thông qua ống dẫn. Nguyên liệu thừa sẽ được quạt hút vào khu vực riêng và có thể thu về để tái sử dụng, do đó vừa bảo đảm vệ sinh an toàn lao động, vừa tiết kiệm nguyên liệu. Sáng kiến này đã làm lợi cho công ty khoảng 150 triệu đồng/năm, đồng thời góp phần tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ngoài ra, anh Phong còn có nhiều nghiên cứu thiết bị cử gá lắp phục vụ sản xuất may công nghiệp, giúp giảm thiểu sai sót, tiết kiệm được quỹ thời gian sản xuất, góp phần cho ra sản phẩm bảo đảm về cả chất lượng và năng suất.

Với sự nỗ lực, đóng góp của mình, hằng năm anh Nguyễn Minh Phong luôn được công ty khen thưởng, biểu dương là điển hình “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”. Vừa qua, anh còn được Đoàn Khối Doanh nghiệp biểu dương là điển hình “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” và phong trào “Sáng tạo trẻ” năm 2016.