Tay trắng lập nghiệp
Khu phố Cà Đú của thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải) được biết đến là vùng trồng nho ngon có tiếng của tỉnh. Nơi đó đã sản sinh ra những TN nông dân “dám nghĩ, dám làm”, quyết tâm bám trụ với cây trồng đặc sản của quê hương và vươn lên làm giàu chính đáng. Anh Trần Sơn Vũ (sinh năm 1983) là một trong những TN như thế!.
Anh Trần Sơn Vũ nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2012.
Năm 2006, Sơn Vũ xuất ngũ và về quê phụ gia đình làm nông nghiệp. Thời gian đó, anh học được từ cha của mình kinh nghiệm trồng nho và không biết tự lúc nào, anh nuôi chí làm giàu cho bằng được từ cây trồng này. Lập gia đình năm 2009, anh được cha mẹ cho 3 sào đất đang trồng nho đỏ. Phải nói là tuổi trẻ liều lĩnh “dám nghĩ, dám làm”, thay vì cứ trồng giống nho đỏ cắt cành, ươm hom trước giờ nông dân địa phương vẫn làm, anh đi tìm tòi, học hỏi ở các vùng nho lân cận trong tỉnh và quyết định chọn trồng giống nho ghép Couderc 1613 khởi nghiệp.
Bắt tay vào trồng giống nho mới, anh mạnh dạn vay Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Hải 20 triệu đồng đầu tư chi phí ban đầu. Vừa trồng, vừa học hỏi kỹ thuật, không phụ ý chí con người, vụ nho đầu tiên anh thu về được 120 triệu đồng. Liên tiếp các vụ sau đó, anh đều “trúng lớn”, thu nhập mỗi năm từ 300-400 triệu đồng. Đến năm 2012, anh chuyển sang trồng nho xanh giống NH-0148 và áp dụng quy trình trồng nho theo hướng VietGAP. Mỗi năm canh tác 2 vụ nhưng năng suất và giá trị gấp 2-3 lần so với nho đỏ. Có năm vườn nho cho năng suất “khủng”, anh thu nhập được hơn 500 triệu đồng, trở thành gương tiêu biểu trên lĩnh vực TN phát triển kinh tế của địa phương. Biểu dương nghị lực vươn lên lập thân, lập nghiệp của một nông dân trẻ, năm 2012, anh Trần Sơn Vũ vinh dự được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng giải thưởng Lương Định Của.
Giới thiệu về dự định của mình trong năm mới 2017, anh Trần Sơn Vũ chia sẻ: Trước mắt, mình vẫn tiếp tục tập trung phát triển kinh tế gia đình, cải tạo đất trồng nho và tìm hướng liên kết với doanh nghiệp đầu tư nhà xưởng sơ chế nho sạch. Tham vọng của tôi là có được 1 thị trường tiêu thụ ổn định cho vùng nho sạch Cà Đú, giúp nông dân cải thiện kinh tế, nâng cao thu nhập chính từ cây nho quê mình.
Khát khao làm giàu
Võ Trung Phi (sinh năm 1991, xã Phước Vinh, Ninh Phước) là TN thế hệ 9X tiêu biểu cho ý chí vươn lên làm giàu, xây dựng kinh tế gia trại bền vững. Anh là chủ nhân của giải thưởng Lương Định Của năm 2014. Gặp lại nhà nông trẻ xuất sắc này, điều làm chúng tôi khâm phục đó là sự nhạy bén trong chuyển đổi cây trồng đúng hướng và quyết tâm biến vùng đất khô cằn thành trang trại trù phú, với hơn 5 ha cây trồng các loại.
Nông dân trẻ xuất sắc Võ Trung Phi trồng thử nghiệm nha đam sạch trên vùng đất Phước Vinh (Ninh Phước).
Nhớ về những ngày đầu khởi nghiệp, Võ Trung Phi chia sẻ: Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông nên việc làm nông nghiệp đã như ăn sâu trong máu thịt. Ngày tốt nghiệp Trung cấp Dược ở TP. Hồ Chí Minh, tôi cũng đắn đo việc ở lại thành phố hay về quê cho gần với gia đình. Không ngờ lựa chọn về quê lập nghiệp lại là “cơ duyên” đưa tôi bám trụ với nghề nông. Tài sản giúp tôi lập nghiệp lúc bấy giờ là 3,5 ha đất chưa khai thác, 3 sào đất trồng táo và hơn chục con dê, cừu đang nuôi dở chừng, cộng thêm một ít vốn tích cóp có của cha mẹ từ mấy chục năm bám đất nuôi 6 người con trưởng thành. Tiếp tục công việc đồng áng dở dang của gia đình, tôi bắt tay vào “quy hoạch” lại cây trồng, vật nuôi để chọn hướng đi hiệu quả.
Với tư duy của tuổi trẻ, Phi vừa làm, vừa học hỏi, tích lũy kinh nghiệm từ nông dân trong vùng; tích cực tham gia các buổi tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi do địa phương tổ chức; đồng thời chịu khó tham khảo, nghiên cứu tài liệu trên các diễn đàn khuyến nông. Từ đó, Phi đã mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, áp dụng giống mới, kỹ thuật mới vào trồng táo, trồng mía. Trong chăn nuôi dê, cừu, anh làm theo hướng bán công nghiệp, tức là vừa dùng thức ăn tươi, vừa xen thức ăn hữu cơ được chế biến bằng máy móc. Không phụ công người có chí, vùng đất vốn là tài sản khai hoang của ông bà để lại nay được Phi khơi nguồn cho những mầm xanh đâm chồi nảy lộc. Diện tích đất đồi khô khốc anh trồng mía, trồng bắp; đất rẫy cạnh nhà anh trồng táo kết hợp nuôi dê, cừu cho thu nhập ổn định từ 300-500 triệu đồng/năm, được nhiều TN trong và ngoài địa phương tham quan, học hỏi.
Hiện nay, Võ Trung Phi vẫn bền bỉ với hướng làm nông nghiệp tiến bộ của mình. Năm 2015, được tiếp cận với kỹ thuật trồng nha đam sạch, anh mạnh dạn nhận Dự án Trồng thử nghiệm cây nha đam do UBND xã Phước Vinh phối hợp Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh đồng Việt chuyển giao. Trên diện tích 2 ha đất canh tác của mình, anh nhận con giống về trồng, vừa trồng, vừa tiếp thu kỹ thuật. Vì là cây trồng mới mẻ ở địa phương nên anh đã đầu tư khá nhiều công sức cho ruộng nha đam, 8 tháng ròng rã từ ngày cây con bén rễ đến thời kỳ thu hoạch, Phi phấn khởi vô cùng vì việc trồng thử nghiệm đã thành công. Bình quân 1 sào nha đam cho thu hoạch 4 tấn bẹ, Phi thu về khoảng 15 triệu đồng sau khi trừ chi phí đầu tư và nhân công. Ngoài nha đam, Phi vẫn duy trì việc trồng táo, nuôi dê kết hợp trồng mía, bắp và cây mãng cầu, cho thu nhập mỗi năm từ 500-600 triệu đồng.
Từ câu chuyện khởi nghiệp của Võ Trung Phi, chúng tôi nhận thấy trong khi nhiều TN còn băn khoăn chưa tìm được hướng đi cho mình, nhiều người muốn thoát ly khỏi nghề làm nông vất vả thì chàng trai trẻ này lại muốn gắn bó với nông nghiệp, nuôi khát vọng làm giàu từ chính mảnh đất quê mình. Anh là tấm gương sáng về ý chí “dám nghĩ, dám làm” cho nhiều bạn trẻ học tập.
Miệt mài tìm thương hiệu cho nông sản
Chị Ngô Lê Nữ Ái (sinh năm 1985), hiện là Phó Chủ nhiệm CLB “Sáng tạo khởi nghiệp TN Ninh Thuận” và là 1 trong 85 gương mặt TN nông thôn xuất sắc được nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2016. Gặp chị tại tư gia ở thôn Mông Đức, xã Phước Hữu (Ninh Phước), ít ai ngờ rằng mới ngoài 30 tuổi nhưng chị Ái đã có trong tay cơ ngơi kha khá với mái ấm khang trang, cùng hệ thống kho bãi thu mua nông sản và kinh doanh vật tư nông nghiệp.
Ngô Lê Nữ Ái tại Lễ trao giải thưởng Lương Định Của năm 2016.
Trò chuyện với chúng tôi, chị thổ lộ: Xuất thân cơ hàn, chị chỉ học đến lớp 7 rồi bươn chải làm ăn. Sau khi lập gia đình, năm 2007, vợ chồng chị đầu tư trồng táo, với diện tích 4 sào, thu nhập bình quân mỗi vụ 90 triệu đồng. Song song với việc trồng táo, năm 2014, chị đã đầu tư liên kết trồng nho giống mới NH-01152 với 20 hộ dân ở địa phương trên diện tích 4 ha theo quy trình VietGAP, lợi nhuận thu lại hằng năm khoảng 800 triệu đồng. Thấy việc bán buôn của người dân lệ thuộc thương lái quá nhiều, giá cả lại bấp bênh, vợ chồng chị mới bàn nhau tìm thị trường, mở vựa thu mua nông sản tại chỗ, đồng thời mở cửa hàng bán vật tư nông nghiệp theo hướng bao tiêu cho nông dân.
Quá trình tiếp cận các đối tác cung ứng vật tư nông nghiệp, chị biết đến nhiều thương hiệu nông sản sạch có sức cạnh tranh trên thị trường và mang lại giá trị kinh tế cao. Qua chương trình khởi sự doanh nghiệp do Tỉnh đoàn tổ chức, năm 2014, chị gia nhập CLB “Sáng tạo khởi nghiệp TN Ninh Thuận” và bắt đầu con đường xây dựng thương hiệu nho, táo sạch của mình. Song song với việc liên kết các hộ dân trồng nho, táo trong vùng, chủ động đề nghị làm ăn theo cách bao tiêu đầu vào, đầu ra và tuân thủ quy trình VietGAP, chị tìm đến Sở Khoa học và Công nghệ để được hướng dẫn đăng ký thương hiệu cho nông sản sạch. Bốn tháng miệt mài, chị nhận được Giấy chứng nhận thương hiệu “Nho, táo Thành Bé”. Việc sinh hoạt ở CLB cũng giúp ích rất nhiều cho việc thúc đẩy thị trường tiêu thụ. Sản phẩm nho, táo chị đóng gói đã có mặt tại khắp các hội chợ trưng bày trong và ngoài tỉnh. Bình quân mỗi tháng, chị tiêu thụ từ 10-15 tấn nho sạch của các hộ dân vệ tinh, xuất hàng cho thị trường ngoài tỉnh, chủ yếu là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Công việc làm ăn “thuận buồm, xuôi gió”, chị đang lên kế hoạch xây dựng thương hiệu cho quả dưa hồng kim mà chị đang liên kết với một số hộ dân thôn Mông Đức, La Chữ trồng thử nghiệm 2 ha và cũng canh tác theo quy trình VietGAP. Chị Ái chia sẻ: Điều tôi mong mỏi nhất hiện nay là tỉnh ta sẽ xây dựng được các vùng nông sản sạch và các sản phẩm đặc thù của tỉnh ta đều được xây dựng thương hiệu để có chỗ đứng trên thị trường và nâng cao giá trị kinh tế cho nông dân. Tôi tin rằng với sự đồng hành của Tỉnh đoàn và CLB “Sáng tạo khởi nghiệp TN Ninh Thuận” sẽ thúc đẩy phong trào TN vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần tạo diện mạo khởi sắc cho nền nông nghiệp tỉnh nhà.
Bảo An