Xuân về vùng cao Phước Chiến

(NTO) Từ trung tâm hành chính huyện Thuận Bắc, chúng tôi ngược hướng Tây Bắc về thăm vùng cao xã Phước Chiến. Trong chiến tranh, nhân dân nơi đây một lòng theo Đảng, Bác Hồ, đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ quê hương. Ngày nay, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, đồng bào Raglai không ngừng nỗ lực vươn lên, chung tay xây dựng nông thôn mới.

Hệ thống giao thông xã Phước Chiến được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu đi lại của Nhân dân.

Chạy dọc tuyến đường từ hồ Sông Trâu vào trung tâm xã Phước Chiến, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự “thay da đổi thịt” của một xã miền núi trước đây còn là địa phương phải “vật lộn” với cái đói, cái nghèo. Đồng chí Chamaléa Hiến, Chủ tịch UBND xã Phước Chiến, phấn khởi: Toàn xã có tổng diện tích đất tự nhiên 4.396,7 ha, trong đó 85% diện tích là rừng và đất rừng, có 585,4 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp, bao gồm cả nương rẫy xa nằm rải rác trên đồi núi dốc, trong đó đất canh tác có thể dẫn nước hoặc bơm tưới được khoảng 200 ha. Trước đây, do tập quán sinh sống, thiếu tư liệu sản xuất, canh tác lạc hậu, chủ yếu dựa vào nước trời nên đời sống của Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn… Từ khi có các Chương trình 134, 135... rất nhiều các công trình điện, đường, trường, trạm và các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, xóa nhà tạm đã giúp xã miền núi Phước Chiến có diện mạo mới thật khởi sắc.

Để định hướng cho người dân phát triển kinh tế, những năm qua, Đảng bộ xã đã đề ra các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, trong đó tập trung vào phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, áp dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào sản xuất. Cùng với đó, được sự quan tâm của các cấp, ngành, bà con được cấp đất sản xuất, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, cán bộ nông nghiệp tập huấn kỹ thuật chăm sóc lúa nước, bắp lai, chăn nuôi bò, dê, cừu... giúp bà con đưa các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị cao phù hợp với điều kiện của địa phương, từng bước ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó, từ chỗ người dân canh tác nhỏ lẻ, mang tính “tự cung, tự cấp”, nay đã hình thành được các mô hình kinh tế cho hiệu quả cao như: Mô hình trồng cây ăn quả (mít, chuối) trên đất dốc cho thu nhập khoảng trên 8 triệu/đồng hộ/năm; mô hình sản xuất bắp lai năng suất đạt 5 tấn/ha/vụ; mô hình thâm canh cây mía với quy mô gần 40 ha, cho năng suất đạt 60 tấn/ha; cây mì cho năng suất đạt 20 tấn/ha; mô hình nuôi heo đen, bò, dê, cừu dưới tán rừng... cũng đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân. Nhờ đó, từ những đồi trọc nay được “thay da đổi thịt” bằng những rẫy bắp lai, mì, mía cho thu hoạch khá, nên đời sống kinh tế của người dân địa phương dần được nâng lên.

Nông dân xã Phước Chiến canh tác lúa nước bảo đảm lương thực cho đời sống gia đình. Ảnh: Sơn Ngọc

Để minh chứng cho những đổi thay của địa phương, chúng tôi được đồng chí Chủ tịch UBND xã đưa đi tham quan các khu vực chuyển đổi sang trồng cây mía, mì... của bà con. Đồng chí bộc bạch: Nhờ cây mía, cây mì mà bà con cải thiện được đời sống, có hộ vươn lên làm giàu như ông Katơr Phá, Chamaléa Chiến, Mấu Văn Tấn ở thôn Ma Trai, Chamaléa Vinh ở thôn Đầu Suối B...

Về Phước Chiến hôm nay, bên cạnh màu xanh của cây bắp lai, mía, mì trên sườn núi, nhiều tuyến đường giao thông được bê-tông khang trang, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Toàn xã có hơn 95% hộ có nhà xây kiên cố, hầu hết hộ dân đều có điện thắp sáng và nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh; 100% trẻ em đi học đúng độ tuổi; 100% dân số được khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế. Các phong trào xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc... được người dân hưởng ứng. Đồng bào nơi đây giữ vững niềm tin son sắt vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đoàn kết xây dựng đời sống ngày một đi lên.

Chia tay với vùng cao Phước Chiến, chúng tôi cảm nhận được mùa xuân mới đang đến với đồng bào Raglai nơi đây. Phước Chiến sẽ ngày thêm khởi sắc, bà con chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới ngày càng ấm no, giàu đẹp.