Trong không khí ấm áp của mùa xuân, chúng tôi tìm đến thôn Từ Thiện (xã Phước Dinh, Thuận Nam) để gặp nông dân Tu Thanh Hường, người vẫn được gọi là tỷ phú tôm của vùng Sơn Hải. Với dáng người mảnh khảnh nhưng toát lên vẻ nhanh nhẹn, hoạt bát, ông bắt đầu kể về quãng thời gian để lập lên cơ ngơi tiền tỷ của mình như hôm nay.
Ông Tu Thanh Hường.
Như ông nói, cuộc đời này rất công bằng, chỉ cần có ý chí, kiên trì, cộng với sự quyết tâm ắt sẽ thành công trong sự nghiệp. Nhớ lại những năm tháng gian khó, bươn chải qua nhiều nghề để mưu sinh, từ hớt tóc, chăn nuôi, thợ may, đi biển… Mỗi nghề đều có khó khăn, vất vả riêng và có cả những thất bại tưởng chừng như không gượng dậy nổi, nhưng rồi ông cũng vượt qua và cơ duyên làm giàu đến với ông vào năm 2000, khi người con trai của ông rất “đam mê” nghề nuôi tôm. Thế rồi, ông bán hết trang trại dê, cừu của gia đình để đầu tư vào nuôi tôm trên cát theo hướng bán công nghiệp tại vùng Từ Thiện, Sơn Hải. Nhờ mạnh dạn và nhạy bén với nghề, ông đã đầu tư nuôi 7 ao tôm, với diện tích 3 ha, sau đó mở rộng ra lên 7 ha, sản lượng bình quân đạt từ 100-150 tấn tôm thịt thương phẩm/năm. Hằng năm thu nhập từ nghề nuôi tôm của gia đình ông đạt gần 2 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 15-20 lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân từ 4-6 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ tập trung phát triển kinh tế, ông còn tích cực tham gia các phong trào của địa phương và của Hội Nông dân như đóng góp ủng hộ các Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Người cao tuổi, Mái ấm tình thương… Ngày 19-8-2016 vừa qua, ông vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2016”. Ông Hường chia sẻ: Để có được thành công như ngày hôm nay, bản thân đã cố gắng, nỗ lực rất nhiều, cùng với bản tính dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đầu tư bởi vì nghề nuôi tôm luôn tiềm ẩn sự rủi ro rất cao. Ngoài những yếu tố trên thì phải tìm hiểu, nghiên cứu thông tin qua tài liệu, áp dụng chặt chẽ kỹ thuật nuôi tôm theo quy trình sinh học, chăm sóc tôm đúng quy trình, kỹ thuật, áp dụng những công nghệ, kỹ thuật nuôi tôm bán công nghiệp mới nhất của các nước tiên tiến nên trang trại tôm luôn đứng vững được trước những tác động của thời tiết, dịch bệnh, giá cả bấp bênh của con tôm giống, tôm thịt trên thị trường.
Ông Nguyễn Thường Lang.
Chia tay ông, chúng tôi đến thăm khu vườn của ông Nguyễn Thường Lang trong một con hẻm thuộc khu phố 2 (phường Mỹ Hải, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm). Trò chuyện với ông về quá trình gầy dựng nên thương hiệu Nho giống Sáu Lang, ông tâm sự: Từ những năm 2000, sau một lớp tập huấn chuyển giao công nghệ cấy ghép do tổ chức phi chính phủ tiến hành ở Bình Thuận, ông tiếp nhận vài cành nho dại Couderc 1613 để đưa về nhân giống. Từ những kiến thức thu thập được, anh đã cho ghép giống nho xanh, nho đỏ… vào gốc nho dại này và đã cho kết quả khả quan. Gốc nho đã nuôi dưỡng tốt cành ghép, cho ra những chùm nho sai quả, ít sâu bệnh, bình quân mỗi sào cho năng suất cao gấp 1,2 lần so với cách làm truyền thống trước đây... Tiếng lành đồn xa, đến nay, hầu hết nông dân trồng nho ở Ninh Thuận và Bình Thuận đã áp dụng trồng nho theo phương pháp ghép cành trên thân nho dại, thậm chí có những hợp đồng chuyển giao cây giống và công nghệ sang tận Campuchia. Hiện nay, ông đã thành lập 2 trang trại nho giống, một tại huyện Tuy Phong (Bình Thuận) và một tại Ninh Thuận, với tổng diện tích gần 4 ha, cung cấp cho thị trường khoảng 1 triệu cây giống/năm, lợi nhuận trên 2 tỷ đồng, đồng thời tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Ông Nguyễn Thường Lang chia sẻ: Để có kết quả như ngày hôm nay là nhờ sự tìm tòi, kiên trì, mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích và công nghệ như: Thiết bị thanh lọc nước, xây dựng nhà lưới, hệ thống điện điều chỉnh nhiệt độ… để thực hiện quy trình ươm cây giống theo tiêu chuẩn VietGAP. Với quy trình khép kín trên, giống nho Sáu Lang luôn đạt chất lượng cao, tạo được uy tín trên thị trường và trở thành địa chỉ tin cậy đối với những người trồng nho trong tỉnh.
Ông Nguyễn Thất.
Ngược lên huyện Ninh Sơn, chúng tôi tiếp tục tìm gặp một trong những nông dân tỷ phú của vùng đất này-ông Nguyễn Thất ở xã Quảng Sơn. Đã được nghe kể nhiều về cơ ngơi tiền tỷ của ông nhưng chúng tôi cũng không khỏi bất ngờ về những gì ông đã từng trải qua và thành công như ngày hôm nay. Ở một vùng đất khô hạn, khan hiếm nước vào bậc nhất của huyện nhưng với sự kiên trì, quyết tâm, ông đã cần mẫn tạo dựng nên cơ nghiệp của mình. Đưa chúng tôi đi thăm trang trại mía rộng 15 ha, ông kể: Vào năm 2001, giữa lúc giá mía tụt thê thảm, nông dân trồng mía trong vùng phải chặt mía bán cho công ty vớt vát từng đồng, rồi bỏ ruộng, ông đã thuê lại 120 ha đất gốc mía với giá 250.000 đồng/sào. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, những gốc mía tưởng chừng bị bỏ đi, đã được thu hoạch, lại đúng thời điểm mía được giá, mỗi sào mía ông Thất vẫn thu được 1,5 triệu đồng. Thắng lợi ban đầu, ông tiếp tục đầu tư mua thêm những mảnh đất thấp, gần suối để tận dụng nguồn nước. Từ trồng mía, doanh thu của ông hằng năm gần 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ông còn tổ chức thu mua nông sản, mở rộng quy mô chăn nuôi cừu, bò lên trên 100 con… Điều đáng khâm phục ở ông đó là bên cạnh việc phát triển kinh tế gia đình, ông còn thành lập “ngân hàng không lấy lãi” dành cho người nghèo với mục đích hỗ trợ họ cải thiện kinh tế gia đình, vượt qua những lúc hoạn nạn, hay cho vay để phát triển sản xuất...
Có thể nói, phong trào “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” trên địa bàn tỉnh ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu có thể kể đến như ông Nguyễn Văn Mọi (thôn Hiệp Hòa, xã Phước Thuận, Ninh Phước) với mô hình trồng nho sạch theo hướng VietGAP kết hợp du lịch; ông Bùi Văn Viên (thôn Khánh Nhơn, xã Nhơn Hải, Ninh Hải) với mô hình sản xuất nông, lâm, diêm nghiệp kết hợp và dịch vụ; bà Trần Thị Tân (thôn Tri Thủy 2, xã Tri Hải, huyện Ninh Hải) với mô hình sản xuất muối sạch… Chia sẻ về phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” trong những năm qua, ông Đỗ Hồng Kỳ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: Phong trào đã góp phần thúc đẩy việc hình thành các loại hình trang trại, gia trại hiệu quả, mang lại giá trịnh kinh tế cao. Nhiều hộ nông dân đã thành lập các doanh nghiệp loại vừa và nhỏ cho hiệu quả cao. Phong trào còn tạo động lực thúc đẩy các hộ nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH. Bên cạnh đó, phong trào đã đóng góp quan trọng vào xây dựng nông thôn mới, đoàn kết, tương thân, tương ái giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, góp phần ổn định an ninh, chính trị nông thôn.
Hòa Bình