Đì đoẹt ngoài sân tràng pháo chuột
Om sòm trên vách bức tranh gà
Trong văn hóa dân gian Việt Nam, hình ảnh con gà có một vị trí quan trọng. Thậm chí trong tín ngưỡng dân gian với tục thờ Mẫu, Thánh, Ngũ Phủ công đồng; ở những nơi này biểu tượng con gà được đứng ở vị trí trang trọng trước điện thờ tiên thánh.
Trong dòng tranh Đông Hồ nói chung và về con gà nói riêng đều thể hiện những sắc thái, ý nghĩa khác nhau và hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu xa, mang đậm triết lý sống của người Á Đông và cụ thể là người Việt. Tuy nhiên, ở chúng có điểm chung là: Chúc tụng sự may mắn và gia đình hạnh phúc.
Xét về hình tượng con gà trống trong dân gian ta thấy: Màu sắc sặc sỡ, dáng dấp dũng mãnh hội tụ đủ 5 yếu tố, phẩm chất cao quý, tuyệt vời như một trang dũng tướng, hoặc một đấng nam nhi. Tức là có đủ cả trí-vũ-dũng-tín-nhân vốn có ở con người theo quan niệm người xưa. Trong đó, biểu hiện chữ tín - một đức tính cao quý- là hằng ngày nó gáy canh không bao giờ sai, giúp người dân quê thức dậy lo việc đồng áng… Những yếu tố căn bản ấy được biểu lộ khi đang đứng, đang đi, đang chiến đấu với địch thủ.
Còn đối với gà mái, người ta thường ví von với hình tượng người mẹ hiền dịu, chịu thương, chịu khó, lại rất mực yêu con (tượng trưng cho mái ấm hạnh phúc gia đình). Vì mỗi khi tìm được mồi, gà mẹ thường kêu “cúc cúc” gọi đàn con lại cùng ăn, không ăn một mình…
Quan sát tranh Gà trống (ảnh 1), xét về ý nghĩa lễ giáo trong cư xử giữa con người với con người trong quan hệ cộng đồng xã hội, nó thể hiện một lời chúc tụng và ước vọng cho một cuộc sống may mắn. Nội dung trực tiếp của bức tranh là hai chữ “Đại cát”.Trong khi đó,bức tranh Đàn gà mẹ con (ảnh 2) lại toát lên ý nghĩa rộng hơn, sâu sắc hơn với mục đích chúc tụng, cầu may cho gia đình bình an, sum họp.
Vì thế, trong các dịp tết, mọi người vẫn thường tặng nhau những bức tranh về gà để chúc cho gia đình được bình an vô sự, con cháu đề huề. Đối với những cặp vợ chồng mới cưới thì bức tranh mang ý nghĩa chúc cho vợ chồng sớm có con cái…
Kiến Hoa(tổng hợp)