Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy thăm Mỹ

Trong vai trò Chủ tịch hai diễn đàn lớn của thế giới: Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) từ ngày 12-11-2010 và Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G8) từ ngày 1-1-2011, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy rất cần sự ủng hộ của đầu tàu kinh tế Mỹ. Đây là mục đích chuyến thăm Washington (10-1) của "ông chủ" Điện Élysée hai tuần trước khi người đứng đầu nước Pháp công bố những ưu tiên trong nhiệm kỳ.

Kết quả cuộc hội đàm tại Nhà Trắng với Tổng thống Mỹ Barrack Obama cho thấy, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã thành công trong bước đi đối ngoại xuyên Đại Tây Dương. "Ông chủ" Nhà Trắng đã bày tỏ sự đồng thuận với "bản thiết kế" chương trình nghị sự cho các hội nghị thượng đỉnh của G20 và G8 do Pháp xây dựng. Thế nhưng, nhiều ý kiến cho rằng sự ủng hộ của Washington chưa đủ giúp Paris hoàn thành "tham vọng" giải quyết hàng loạt vấn đề hóc búa đang là thách thức hàng đầu của thế giới hiện nay, như cải cách hệ thống tiền tệ thế giới, điều tiết các thị trường nông nghiệp và nguyên liệu, đổi mới hệ thống quản trị toàn cầu... Nhất là trong hoàn cảnh sự khác biệt lập trường giữa các nước G20 vẫn còn rất sâu sắc và có nguy cơ rơi vào lối mòn trong cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính hoành hành suốt 2 năm qua.

Cụ thể, Tổng thống Sarkozy rất khó thuyết phục được Mỹ và Trung Quốc tiến hành cải cách tiền tệ thật sự. Về năng lượng và nông nghiệp, Paris mong muốn sự minh bạch trong số lượng dự trữ nhiên liệu và nông sản nhằm hạn chế sức nóng từ các thị trường. Tuy nhiên, những thông tin này được xem là chiến lược và khó có thể được đáp ứng từ phía Trung Quốc, Ấn Độ hay Nga. Pháp cũng đề xuất kiểm soát thị trường mua đi bán lại nguyên liệu, song lại đụng phải sự dè dặt từ Mỹ.
 

 

Tổng thống Pháp N. Sarkozy tìm kiếm sự đồng thuận từ người đồng cấp Mỹ B.Obama.
 

Trong khi đó, nhiều yếu tố đáng quan ngại tiếp tục nổi lên đe dọa triển vọng phục hồi "sức khỏe" nền kinh tế thế giới năm 2011, nhất là tình trạng thất nghiệp tăng mạnh và lãi suất giảm đến mức tối thiểu. Theo giới phân tích kinh tế, tình hình này ảnh hưởng trực tiếp đến các nước phát triển, đẩy thế giới vào thời kỳ suy thoái lâu dài với nạn giảm phát nghiêm trọng. Châu Á sẽ khó tránh khỏi tình trạng tăng trưởng kinh tế "bong bóng" và tỷ lệ lạm phát cao. Châu Âu - "điểm đen" của tài chính thế giới trong năm 2010 - sẽ phải tiếp tục gồng mình trả nợ. Nhiều khả năng Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha phải cầu cứu Quỹ Bình ổn tài chính châu Âu (EFSF).

Trong trường hợp xấu nhất, Italia và Bỉ có thể lâm vào hoàn cảnh tương tự. Ngoài ra, hệ thống ngân hàng châu Âu có nguy cơ lâm vào bất ổn khi các khoản nợ chính phủ đang làm suy yếu niềm tin trong các hoạt động của bộ máy tài chính. Nghiêm trọng nhất là một thế giới không cân bằng với nhiều căng thẳng xảy ra. Ở giai đoạn khốc liệt của cuộc khủng hoảng, các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đã nhất loạt phản ứng bằng các kế hoạch "giải cứu"; đến thời điểm phục hồi, mỗi quốc gia lại hầu như chỉ bảo vệ lợi ích của riêng mình. Kết quả là tỷ giá hối đoái toàn cầu lâm vào chao đảo mà hậu quả có thể dẫn đến một cuộc chiến tiền tệ và thương mại vô cùng khốc liệt.
 

Vì vậy, có luồng dư luận ở châu Âu cho rằng, Tổng thống Pháp N.Sarkozy định ra nhiều mục tiêu quá cao cho nhiệm kỳ "2 trong 1", chủ yếu là vì tham vọng chính trị riêng. Hay nói cách khác, "Công dân số 1" nước Pháp đang tranh thủ lịch trình dày đặc của G20 và G8 trong năm 2011 để tăng cường vị thế và uy tín nhằm tạo "đòn bẩy" cho cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vào năm 2012. "Chủ nhân" Điện Élysée hy vọng lại thành công như thời gian Pháp giữ cương vị Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) nửa cuối năm 2008 - thời điểm Paris góp phần đưa châu lục này vượt qua khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, chương trình nghị sự tham vọng cũng sẽ là "con dao hai lưỡi" và hậu quả sẽ là khôn lường nếu Tổng thống N.Sarkozy không vượt qua được những thách thức do chính ông tạo ra.