Các địa phương khắc phục thiệt hại do mưa lũ

(NTO) Những trận mưa kéo dài liên tục nhiều ngày qua đã gây thiệt hại nặng nề trên địa bàn huyện Ninh Sơn, ước tính có hàng trăm ha cây trồng các loại như: lúa, dưa hấu, mỳ, bắp… bị hư hại.

Tại xã Nhơn Sơn, trên 400 ha lúa vụ đông-xuân mới trổ đòng bị ngập úng và hư hại hoàn toàn, địa phương vẫn đang tiếp tục thống kê thiệt hại. Theo đề xuất của địa phương, trước mắt kiến nghị cấp trên hỗ trợ lại giống cho nông dân tiếp tục tái sản xuất sau khi nước tại một số cánh đồng Lương Cang, Nha Hố… rút hoàn toàn.

Gia đình anh Nguyễn Văn Cang ở xã Phước Thái (Ninh Phước)
tập trung thu hoạch lúa bị ngã đổ do mưa lũ.Ảnh: V.M

Còn tại xã Lương Sơn, hàng trăm ha lúa vụ mùa đang trong thời kỳ thu hoạch bị ngã đổ, hư hại, nhiều diện tích chưa kịp thu hoạch nông dân phải bỏ hoặc bán cho các hộ nuôi vịt chạy đồng. Trong khi đó, hàng chục ha dưa hấu chuẩn bị bán tết của bà con nơi đây cũng xem như mất trắng. Theo anh Đặng Quốc Thắng, thôn Tân Lập 2 cho biết, lúa vụ 3 năm nay của người dân đều thiệt hại hơn 70%, có nhà mất trắng. “Gia đình trồng 8 sào rưỡi lúa, thu hoạch được gần 3 sào, mưa quá chưa phơi được phải ủ bạt cả tuần nay, còn hơn 5 sào vừa mới bán cho hộ nuôi vịt chạy đồng với giá gần 4 triệu đồng vì không bán cũng không thu hoạch được!”-anh Thắng than thở.

Được biết, đây đang là thời điểm dưa hấu cho trái, tuy nhiên những trận mưa kéo dài liên tục đã gây ngập úng, hư hại phần lớn diện tích dưa này. Nhiều hộ phải chấp nhận nhổ bỏ, dỡ bạt sớm. Anh Trương Đình Dương, thôn Tân Lập 2, trồng 5 sào dưa hấu với vốn đầu tư gần 60 triệu đồng, nếu tính đến thời điểm này diện tích dưa đã hơn 40 ngày nhưng vẫn chưa cho trái, một số cho trái chỉ bằng vài ngón tay. Theo thời vụ còn khoảng hơn 20 ngày nữa dưa này sẽ phục vụ tết Nguyên đán, tuy nhiên anh đành phải dỡ bạt và chấp nhận trắng tay. Theo thống kê sơ bộ của xã Lương Sơn, diện tích lúa vụ mùa ước thiệt hại trên 385 ha, diện tích dưa hấu tết có thể mất trắng khoảng vài trăm ha, kể cả vùng xâm canh của người dân địa phương tại một số xã lân cận của huyện Bác Ái.

Ngoài ra, mưa kéo dài cũng đã làm sạt lở nhiều tuyến đường giao thông, công trình công cộng trên địa bàn một số xã như: Đường giao thông từ xã Lâm Sơn đi Phước Hòa (đoạn cầu Gia Chiêu đi thôn Lâm Phú) bị xói mòn và sạt lở nghiêm trọng gần 1 km, nhiều hố sâu được hình thành rất nguy hiểm; tuyến đường D1 thuộc khu dân cư Tân Mỹ, xã Mỹ Sơn bị sạt lở gần 2 km…

Theo ông Dương Đăng Minh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ninh Sơn, hiện cán bộ phòng vẫn đang tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương khẩn trương rà soát lại các diện tích cây trồng bị thiệt hại, để sớm kiến nghị cấp trên hỗ trợ cho người dân sớm ổn định sản xuất. Một số khu vực bị xói mòn, sạt lở, huyện cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm bố trí phương tiện đến khắc phục, giúp người dân an tâm đi lại, sản xuất.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Ninh Phước, từ ngày 16 đến 19-12, mưa lũ đã làm cho 2.928 ha cây trồng các loại bị ngập, úng. Trong đó, cây lúa bị ngập trên 1.800 ha, bắp 273,4 ha, rau màu 487 ha. Đặc biệt có hơn 180 ha diện tích nho, táo thuộc các xã Phước Sơn, Phước Hậu, Phước Thuận… đang trong thời kỳ ra hoa và chuẩn bị thu hoạch bị thiệt hại trên 70%. Chị Lê Thị Kim Chi (thôn Trường Sanh, xã Phước Hậu) cho biết: Gia đình có 1,7 sào táo, chuẩn bị cho thu hoạch, mưa liên tục trong những ngày qua làm cho trái bị hư và rụng rất nhiều, đợt này xem như mất trắng. Để bà con địa phương sớm khôi phục lại sản xuất, huyện đã phân công cán bộ nông nghiệp trực tiếp ra đồng hướng dẫn, hỗ trợ nông dân khẩn trương khắc phục thiệt hại, sớm ổn định đời sống.

Tại huyện Thuận Nam, những trận mưa kéo dài trong những ngày qua cũng làm cho 726 ha cây trồng bị ngập úng, trên 540 ha lúa, gần 42 ha hoa màu và một số diện tích cây lâu năm bị ngập và đổ ngã… Xã Phước Nam là địa phương bị thiệt hại nặng nhất, với khoảng 500 ha lúa mới gieo trong vụ đông-xuân bị ngập úng và cuốn trôi. Ông Khưu Lê Khắc Trí, Phó phòng NN&PTNT huyện, cho biết: Sau khi nước rút, các xã vận động bà con khẩn trương ra đồng tháo nước ruộng lúa bị ngập, khai thông kênh mương, chuẩn bị giống mới để gieo kịp thời vụ. Đồng thời, tiếp tục rà soát diện tích cây trồng bị thiệt hại, kiến nghị cấp trên có chính sách hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất.

Trên địa bàn huyện Ninh Hải, đợt mưa lũ vừa qua đã làm cho sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng khá nặng. Toàn huyện đã bị thiệt hại 2.063 ha lúa sắp thu hoạch và 40 ha lúa mới gieo; 338 ha nho, táo; 385 ha hành, tỏi và 80 ha rau của các xã bị thiệt hại 100%; 80 ha hoa màu bị thiệt hại 70%. Tại xã Xuân Hải, có 85 ha nho xanh của 300 hộ nông dân đang ra hoa, số chuẩn bị thu hoạch bị hư hại trên 90%. Chị Trần Xuân Hòa (thôn Thành Sơn, Xuân Hải) cho biết: "Gia đình trồng 4,5 sào nho xanh đang trong thời kỳ đậu trái, sau cơn mưa kéo dài vừa qua đã làm toàn bộ trái bị rụng, nên vụ nho Tết năm nay gia đình coi như mất trắng. Không riêng gì những hộ trồng nho ở xã Xuân Hải, nhiều hộ trồng hành, tỏi ở các xã Nhơn Hải, Thanh Hải, Vĩnh Hải hầu như cũng bị mất trắng". Ông Nguyễn Văn Chỉ, thôn Mỹ Tường (xã Nhơn Hải), cho biết: Gia đình trồng 3 sào hành và tỏi, khoảng nửa tháng nữa là thu hoạch, không ngờ mưa kéo dài làm toàn bộ diện tích hành và tỏi bị hư lá, thối củ, vụ này coi như trắng tay.

Huyện Thuận Bắc là địa phương cũng bị ảnh hưởng nặng của đợt mưa lũ vừa qua. Toàn huyện có 582 ha lúa, 240 ha bắp, đậu và 77 ha hoa màu bị thiệt hại. Hơn 180 ha lúa ở các xã Công Hải, Lợi Hải, Bắc Phong... chuẩn bị thu hoạch bị thiệt hại trên 70%.