VẤN ĐỀ - SỰ KIỆN:

Bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017

(NTO) Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Theo đó, để chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ nhân dân đón năm mới và Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 vui tươi, yên bình, an toàn, tiết kiệm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường, cung-cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu vào dịp cuối năm; chủ động có biện pháp điều tiết kịp thời trong phạm vi trên cả nước. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu, hàng giả, hàng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các hành vi đầu cơ, găm hàng nhằm tăng giá. Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường, kịp thời có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá…Chỉ thị cũng nêu rõ, các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước các cấp thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng không chúc tết, tặng quà lãnh đạo, yêu cầu các địa phương không về Hà Nội chúc tết Chính phủ, các bộ, ngành.

Cán bộ quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa lưu hành trên địa bàn Phan Rang- Tháp Chàm. Ảnh: Anh Tùng

Đối với tỉnh ta, UBND tỉnh cũng vừa ban hành Kế hoạch số 4830/KH-UBND về việc bình ổn thị trường Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh tạm ứng nguồn vốn ngân sách địa phương 18 tỷ đồng để hỗ trợ 4 doanh nghiệp tham gia dự trữ 8 nhóm mặt hàng thiết yếu được áp dụng bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán, gồm: gạo, nếp; thịt gia súc (heo, bò); thịt gia cầm (gà, vịt); trứng gia cầm (gà, vịt); thực phẩm chế biến; dầu ăn; đường và rau, củ, quả tươi.

Mặc dù còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp, siêu thị, tiểu thương đã chuẩn bị lượng hàng hóa và nhu yếu phẩm khá dồi dào, tập trung vào một số nhóm mặt hàng như lương thực thực phẩm, bánh, kẹo, rượu, bia, thực phẩm đông lạnh, đồ gia dụng,… Các doanh nghiệp thương mại, nhà phân phối lớn trong tỉnh, nhất là những doanh nghiệp được tỉnh hỗ trợ kinh phí “bình ổn” đều chủ động dự trữ đầy đủ các mặt hàng, đảm bảo phân phối, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc.

Tuy nhiên, để đảm bảo thực hiện đồng bộ, đạt hiệu quả Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nói chung, Kế hoạch của UBND tỉnh nói riêng, yêu cầu đặt ra là các sở, ngành và địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền nhằm thông tin đầy đủ, kịp thời về giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu đến người tiêu dùng trong những tháng cuối năm 2016 và dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức đưa hàng bình ổn đến các địa phương trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa; đẩy mạnh thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại trên thị trường nội địa. Tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường; việc chấp hành các quy định về giá như đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết tại cơ sở; tăng cường kiểm soát chất lượng hàng hóa, các hành vi đầu cơ, găm hàng tăng giá trái pháp luật, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Lực lượng quản lý thị trường cần phối hợp với các lực lượng chức năng tại địa phương tập trung triển khai các kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường, cao điểm những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Qua đó, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, kinh doanh không đúng quy định của pháp luật gây thiệt hại cho người tiêu dùng…