(NTO) Những ngày gần đây báo chí đưa tin khá đậm nét về hành động sẵn sàng quên thân mình để bảo vệ những học sinh bé nhỏ thân yêu của 4 cô giáo Trường Mầm non Mỹ Phú 2, xã An Hiệp, (huyện Tuy An, Phú Yên). Anh bạn đồng nghiệp của tôi ở Phú Yên qua điện thoại cũng không giấu vẻ tự hào khi kể về hành động mà anh cho là vốn dĩ rất bình thường của các cô giáo “tất cả vì học sinh thân yêu”, nhưng điều “phi thường” ở đây chính là hành động rất trách nhiệm nếu không muốn nói là “quả cảm” khi thấy ít nhất bốn trong số 15 cháu nhỏ phải đu mình trên cửa sổ, trên nóc tủ suốt gần 2 giờ để chờ ứng cứu đã rơi xuống nước lũ, trong đó có cháu (5 tuổi) rơi chìm dưới nước may mắn được cô giáo Thái Thị Tuyết Hồng phát hiện, lặn ngụp cứu sống. Thật xúc động làm sao khi nghe cô giáo Hồng bộc bạch: Lúc ấy, chúng tôi không nghĩ gì cho bản thân nữa mà cứ lo học sinh của mình rơi xuống lũ chết đuối…
Những hành động đáng trân quý của các cô giáo đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi thư khen. Trong thư khen có đoạn: “Tôi rất xúc động được biết tin, trong ngày 13-12, với lòng dũng cảm, trách nhiệm và tình người sâu sắc, các cô giáo Trường Mầm non xã An Hiệp và người dân địa phương đã cứu giúp và bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các cháu học sinh trong khi lũ về nhanh, gây ngập lụt nghiêm trọng tại Trường. Thật cảm động trước suy nghĩ của các cô giáo: “Thà cô chết chứ không để trò chết.” Thay mặt Chính phủ, tôi gửi lời biểu dương, khen ngợi các cô giáo Trường Mầm non xã An Hiệp và người dân địa phương đã tham gia cứu giúp các cháu”.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ thì cho rằng, việc các cô dầm mình dưới nước lũ suốt nhiều giờ, nỗ lực tìm mọi cách đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng cho các cháu là hành động phi thường mà chỉ có tấm lòng người mẹ mới có thể làm như thế. Các cô đã tạo nên một hình ảnh rất đẹp của người giáo viên nhân dân...
Thực ra, những hành động cao đẹp nêu trên không phải chỉ có ở Phú Yên mà gần như nơi nào cũng có, tùy điều kiện, hoàn cảnh mà người dân có biểu hiện cụ thể phù hợp. Đặc biệt trong mưa lũ, truyền thống “thương người như thể thương thân” đã bộc lộ rất rõ trong nhiều người, nhiều giới và tùy theo khả năng đã có những đóng góp, sẻ chia rất thiết thực và xúc động, ấm áp tình người, hay nói như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đó là “trách nhiệm và tình người sâu sắc”. Tỉnh ta, sau đợt biến đổi khí hậu là hạn hán kéo dài đến 6 tháng đầu năm 2016, dẫn đến thiếu nước nghiêm trọng cho đời sống và sản xuất của người dân nhiều vùng, miền trong tỉnh…thì 6 tháng cuối năm liên tục có nhiều cơn mưa không chỉ “giải hạn” mà còn làm đầy 20 hồ chứa vốn cạn queo do hạn hán! Tuy nhiên, thời tiết cũng bất thường gây mưa nhiều ngày liên tục cũng trở thành… “hại”!.Cụ thể như mới đây, mưa từ tối 15 đến ngày 16-12 với lượng mưa phổ biến từ 60-100mm trên địa bàn tỉnh đã làm cho dung tích của 20 hồ chứa đạt trên 100%, trong đó nhiều hồ đã vượt ngưỡng buộc phải xả lũ để bảo vệ cho công trình. Đáng nói là đã xảy ra ngập cục bộ ở một số địa phương, thậm chí một số nơi người dân bị chia cắt do ngập sâu. Ngay tại Tp. Phan Rang- Tháp Chàm- trung tâm tỉnh- nhiều tuyến đường đã ngập sâu gây chia cắt giao thông tuy không dài…Điều đáng nói là mưa lũ đã làm cho cây trồng bị hư hại nặng, nhất là nho, táo, ruộng muối, nhiều diện tích lúa vụ mùa đang thu hoạch…vốn là niềm hy vọng của nông dân trong việc trang trải cho đầu tư vụ đông-xuân tới và nhất là trong dịp tết đã ngày càng đến gần kề. Hơn bao giờ hết, nhiều người dân vùng bị thiệt hại ngoài nguồn hỗ trợ của Nhà nước cũng rất cần những đóng góp, sẻ chia của mọi người để vượt qua khó khăn trước mắt bằng tinh thần “trách nhiệm và tình người sâu sắc” như lời của Thủ tướng…
TD