Các địa phương khẩn trương phòng, chống mưa lũ

(NTO) Trong 16 giờ qua do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động của đới gió đông trên cao, khu vực tỉnh ta có mưa to đến rất to. Mưa lũ đã gây ngập lụt, chia cắt cục bộ địa bàn dân cư tại một số địa phương, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống người dân trên địa bàn tỉnh.

Tại huyện Thuận Bắc, mưa lớn kết hợp nước từ thượng nguồn đổ về từ chiều ngày 15 đến trưa ngày 16-12 đã gây ngập lụt ở các xã Công Hải, Lợi Hải và Bắc Phong. Mưa lũ đã làm 155 hộ dân ở các xã Công Hải, Bắc Sơn, Lợi Hải ngập lụt. Riêng xã Phước Chiến đang bị chia cắt hoàn toàn do nước qua tràn suối Lách trên đường đi lòng hồ Sông Trâu. Mưa lớn cũng đã làm nhiều tuyến đường nội thôn ở xã Công Hải, thôn Suối Đá (xã Lợi Hải), thôn Mỹ Nhơn và Gò Sạn, xã Bắc Phong ngập cục bộ. Qua thống kê sơ bộ, toàn huyện có 284 ha lúa đang chuẩn bị thu họach bị ngập, sạt lở nhiều tuyến bờ kè ở các địa phương.

Các đơn vị chức năng đang khẩn trương khắc phục tình trạng sạt lở
do mưa lũ trên tuyến đèo Sông Pha (Ninh Sơn). Ảnh: Nguyễn Sơn

Trước tình hình thời tiết phức tạp, để chủ động ứng phó với mưa lũ, UBND huyện Thuận Bắc đã chỉ đạo dừng các cuộc họp, lãnh đạo huyện cùng các xã tập trung huy động lực lượng, phương tiện về các địa phương để di dời người dân tại các khu xung yếu, nơi thường xuyên bị ngập lụt đến nơi an toàn. Chuẩn bị sẵn sàng lương thực, thực phẩm để hỗ trợ người dân khi có mưa lũ cục bộ. Đối với các xã Công Hải, Bắc Phong bị ảnh hưởng do xả lũ của hồ Bà Râu và Sông Trâu, huyện đã phân công lực lượng trực 24/24 giờ để ứng cứu kịp thời. Đồng chí Mai Duy Bàng, Chủ tịch UBND xã Công Hải, cho biết: Ngay từ sáng sớm, địa phương đã huy động các lực lượng xuống các khu vực xung yếu, ven sông suối, đập tràn để di dời người dân, đồ đạc, gia súc đến nơi an toàn. Phối hợp với các lực lượng công an, quân sự huyện tổ chức trực 24/24 giờ để sơ tán người dân sống ở khu vực vùng hạ lưu, ven suối đến nơi an toàn. Phân công lực lượng hướng dẫn người dân không đi qua các đập tràn khi nước lũ về.

Các tuyến đường xã Phước Nam (Thuận Nam) bị ngập nước, gây khó khăn
cho việc lưu thông của người dân.Ảnh: Thế Quang

Tình hình do mưa lớn làm nhiều vùng sản xuất muối, nho, hành, tỏi… ngập chìm trong nước và nhiều khu vực ở huyện Ninh Hải bị chia cắt bởi lũ. Tỉnh lộ 702 (đoạn từ Vĩnh Hy đến Bình Tiên) bị ngập sâu nhiều đoạn. Cầu dẫn vào thôn Thái An (xã Vĩnh Hải) bị nước lũ tràn qua sâu hơn 1 m, nên 100% hộ dân nơi đây bị chia cắt hoàn toàn. “Ao Bàu Tró đứng trước nguy cơ bị lũ cuốn, gây sạt lở, chính quyền địa phương đã huy động người dân dùng bao cát đắp thành tường ở các đoạn xung yếu quanh ao để ngăn chặn lũ vượt qua”-đồng chí Lê Văn Tiến, Phó Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Hải cho biết.

Riêng tại thôn Vĩnh Hy, mưa lớn làm cho 2 cây trụ điện trung và hạ thế ngã đổ. Sự cố sập cầu Vĩnh Hy chưa được khắc phục xong, nhiều phương tiện đang thi công công trình bị ngập nước, hư hỏng nặng… đến thời điểm này, cả thôn và khách du lịch bị chia cắt hoàn toàn. Ông Nguyễn Văn Chương, Bí thư Chi bộ thôn Vĩnh Hy cho biết: Mưa lớn từ tối 15-12 đến sáng nay, cộng với nước từ suối Lồ Ồ đổ về, làm nhiều đoạn đường giao thông bị ngập, nhiều công trình công cộng bị sạt lở. Toàn thôn phải thông báo cho học sinh nghỉ học.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Ninh Hải đang nhanh chóng triển khai các phương án ứng phó phù hợp với điều kiện thực tế để giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Tại huyện Bác Ái, lưu lượng nước tại các hồ chứa trên địa bàn huyện đã vượt dung tích thiết kế, để đảm bảo an toàn, một số hồ đã tiến hành mở cửa xả để điều tiết lũ. Tính đến 14 giờ chiều ngày 16-12, lưu lượng xả của các hồ khá lớn, trong đó, hồ Sông Sắt mở 2 cửa, xả với tổng chiều cao 5,5 m, lưu lượng xả đạt mức 200 m³/s, được biết đây là lần xả lũ lớn nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Theo ghi nhận của phóng viên, mưa lớn cũng đã gây ngập một số diện tích cây trồng của bà con ở các khu vực hạ du các xã ven sông như: Phước Tiến, Phước Chính, Phước Tân... Ngoài ra, do mưa kéo dài kết hợp với nước đầu nguồn đổ về với lưu lượng lớn nên tại khu vực bờ tràn trên tuyến đường từ trung tâm xã Phước Đại đi xã Phước Chính cũng bị ngập nặng và chia cắt cục bộ vài giờ đồng hồ. Được biết, để đảm bảo an toàn cho người dân, tại thời điểm nhận được tin báo ngập, UBND huyện đã yêu cầu lực lượng quân đội, công an xuống điểm ngập, trực ngăn cấm các phương tiện và người dân lưu thông khi nước đang về.

Riêng tại huyện Ninh Sơn, khoảng 9 giờ 30 sáng ngày 16-12, tại km 206+900 trên tuyến Quốc lộ 27, đoạn qua đèo Sông Pha đã xảy ra tình trạng sạt lở đất núi nghiêm trọng, gây ách tách giao thông hơn 4 giờ đồng hồ. Ghi nhận của phóng viên tại hiện trường, khu vực sạt lở có chiều dài hơn 25 m, ngang 15 m, với hàng trăm khối đất núi đổ xuống chắn ngang mặt đường, gần 30 m kè sắt hành lang bảo vệ bị hư hỏng, ngã đổ xuống vực. Đến hơn 13 giờ chiều cùng ngày, các lực lượng chức năng mới tiến hành dọn dẹp xong và cơ bản thông xe trên tuyến. Ngoài ra, tại một số khu vực xung yếu ở các xã Mỹ Sơn, Nhơn Sơn, Lâm Sơn… tuy không xảy ra tình trạng lũ quét nhưng có nhiều diện tích hoa màu, cây trồng của bà con bị ngập sâu trong nước.

Mưa lớn đã làm ngã đổ trụ điện hạ thế tại thôn Vĩnh Hy (Ninh Hải).

Tuyến đường ven biển đoạn Bình Tiên - Vĩnh Hy bị sạt lở nghiêm trọng.

Tại xã Phước Nam (Thuận Nam), tình hình mưa lũ đã làm khoảng 500 ha lúa mới gieo bị thiệt hại nặng nề, ngoài ra một số diện tích rau màu khác cũng bị mưa lũ làm hư hỏng; một số khu vực bị chia cắt, ngập sâu, đặc biệt tuyến đường Văn Lâm-Sơn Hải nước đang dâng cao có khả năng bị chia cắt. Đồng chí Châu Văn Kỳ, Bí thư Đảng ủy xã Phước Nam cho biết: Chính quyền địa phương đã di dời 150 hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn, ngoài ra lực lượng chức năng đã huy động xuồng, ca-nô đang tiến hành di dời một số hộ dân ở thôn Văn Lâm 3 đang có nguy cơ nước tràn về. Xã đã huy động 100% lực lượng túc trực, giúp đỡ các hộ dân, tài sản, gia súc đến nơi an toàn.

Đồng chí Lê Huyền, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, huyện đã chỉ đạo cho các địa phương, đặc biệt là lực lượng công an, quân sự, dân quân tự vệ các xã triển khai lực lượng khẩn trương giúp dân, đồng thời chỉ đạo các xã tiến hành rà soát lại tất cả các hộ bị ngập và có nguy cơ ngập để tiến hành di chuyển về nơi an toàn, huyện cũng đang tiến hành theo dõi sát sao tình hình ngập lụt tại tuyến đường Văn Lâm-Sơn Hải, nếu thấy diễn biến xấu, không đảm bảo an toàn sẽ cho dừng giao thông qua tuyến đường này. Công tác ứng phó với mưa lũ, áp thấp nhiệt đới tại các xã vùng biển trên địa bàn cũng được triển khai kịp thời. Ông Trịnh Công Thuấn, Phó Ban Quản lý Cảng Cà Ná, cho biết: Để đảm bảo an toàn cho các tàu thuyền đánh bắt ở địa phương và tàu vãng lai, Cảng thành lập 2 tổ, với 11 thành viên, phân công túc trực tại cảng 24/24 giờ làm nhiệm vụ hướng dẫn, sắp xếp phương tiện tàu thuyền neo đậu tại cảng được an toàn.

Tại huyện Ninh Phước, theo đồng chí Nguyễn Đức Thuận, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Phước Thuận cho biết: Tình hình mưa lũ từ rạng sáng ngày 16-12 đã làm 2 căn nhà trên địa bàn bị sập vách, ngoài ra một số diện tích hoa màu bị hư hại, đặc biệt là diện tích nho, táo mới cắt cành, đang ra hoa đã bị thiệt hại nặng nề. Địa phương đang theo dõi sát sao tình hình mưa lũ, tuyên truyền cho người dân; huy động lực lượng theo phương châm “4 tại chỗ”, trực tại chốt ở các thôn; huy động các phương tiện vận chuyển người, tài sản, gia súc đến nơi an toàn; phao, xuồng cứu hộ đã sẵn sàng để di dời đền khu vực cao.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Ninh Phước, tình hình mưa lũ đã làm hư hỏng nặng 4 căn nhà (xã Phước Thuận, Phước Hải); diện tích hoa màu bị ngập khoảng 1.016 ha, trong đó lúa bị ngập 418,9 ha, bắp bị ngập 396,8 ha, cây lâu năm bị ngập và hư hại 56,1 ha.

Tại Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, mưa lớn kéo dài trên diện rộng đã làm hàng ngàn hộ dân trên địa bàn Tp. Phan Rang-Tháp Chàm bị ngập nước; làm hư hại gần 100 ha hoa màu. Mưa lũ làm sạt lở 30 m tuyến đường đi bộ ven biển Bình Sơn-Ninh Chử. Trên một số tuyến đường như: 21 Tháng 8, Thống Nhất, Đoàn Thị Điểm, Quang Trung…, nhiều đoạn nước ngập sâu gần 1 m, gây cản trở giao thông. Lực lượng Cảnh sát giao thông cũng được huy động điều tiết, hướng dẫn các phương tiện giao thông ở những tuyến đường này nhằm tránh ách tắc. Tại phường Phủ Hà, nước tràn vào nhiều nhà người dân buộc các hộ phải di dời tài sản lên chỗ cao hơn. Ông Võ Đức Ân, Trưởng Ban quản lý khu phố 4, cho biết: Riêng 2 khu phố 3 và 4 đã có khoảng 60 căn nhà bị ngập. Chúng tôi phải huy động 3 máy bơm công suất lớn để hút nước giúp bà con đi lại. Được biết, mưa lớn đã làm hơn 500 nhà dân trên địa bàn phường bị ngập nước. Còn tại khu phố 4, phường Đạo Long cũng có khoảng 30-40 căn nhà bị ngập cục bộ.