Mưa lũ những ngày qua đã làm ngập úng nhiều diện tích trồng lúa, gây thiệt hại cho nông dân huyện Ninh Phước.
Trong ảnh: Nông dân xã Phước Thái khẩn trương thu hoạch lúa bị ngã đổ. Ảnh: Văn Miên
Qua thống kê nhanh, mưa lũ gây thiệt hại ban đầu ước khoảng 300 tỷ đồng. Về dân sinh, mưa lũ làm 21 nhà dân bị sạt lở vách, sập tường rào. Về nông nghiệp, hơn 2.883,8 ha diện tích cây trồng bị ngập và thiệt hại; 123 con gia súc bị chết; 39 lồng bè nuôi tôm hùm, cá (cá bè, cá bóp, cá mú) bị chết tại xã Vĩnh Hải (Ninh Hải); 1 tàu thuyền bị chìm ở thôn Bình Tiên (xã Công Hải, Thuận Bắc); 1 chiếc tàu với công suất 15 CV bị chìm ngoài biển tại xã Phước Dinh (Thuận Nam). Về thủy lợi, nhiều đoạn bờ sông bị sạt lở do tình hình xả lũ, chủ yếu bờ sông Lu, sông Dinh, với tổng chiều dài sạt lở 3.800 m (tại Phước Sơn đã có 2.000 m2 đất trồng táo và các loại cây ăn trái của các hộ dân dọc sông Dinh bị sạt lở, cuốn trôi; thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) sạt bờ sông Lu vị trí phía Tây Nam cầu Mỹ Nghiệp dài 500 m, với diện tích khoảng 1.800 m2); kè chắn sóng thôn Mỹ Hòa (xã Vĩnh Hải) bị sạt lở khoảng 10m.
Đặc biệt, đợt mưa lũ lần này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống giao thông của tỉnh. Mưa lũ làm sạt lở Quốc lộ 27, đoạn qua đèo Ngoạn Mục tại khu vực Km57 lý trình 206+950 chiều dài 25m; các tuyến đường Tỉnh lộ: 701, 702, 706, 707 và hệ thống giao thông nông thôn liên xã, thôn bị ngập lụt, sạt lở nghiêm trọng. Đồng chí Võ Đức Triều, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, cho biết: Trước mắt, ngành huy động nhân lực, phương tiện cơ giới cùng với các nhà thầu ứng vốn hơn 19,5 tỷ đồng khắc phục, thông tuyến Quốc lộ 27, đoạn giáp ranh giữa Ninh Thuận và Lâm Đồng; Quốc lộ 27B; các tuyến đường liên xã, thôn ở các khu vực dân cư Vĩnh Hy (xã Vĩnh Hải), thôn Vĩnh Trường (xã Phước Dinh, Thuận Nam) bị mưa lũ cuốn trôi, hiện nay đã được khắc phục đảm bảo an toàn giao thông đi lại của người dân. Các tuyến Tỉnh lộ 701, 702, 706, 707 do khối lượng sạt lở quá lớn, phải mất một thời gian nữa mới khắc phục xong.
Nông dân thôn Thái An (xã Vĩnh Hải, Ninh Hải) thu hoạch nho để tránh mưa lũ.
Ảnh: T.Long
Nhằm kịp thời khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã cấp bao cát, rọ thép cho các địa phương, đơn vị khắc phục các công trình đã bị hư hỏng. Trong đó, Ninh Sơn cấp 20 rọ thép để gia cố đoạn đường gần UBND xã Nhơn Sơn; Ninh Hải cấp 3.000 bao cát để gia cố đê Đầm Nại; Ninh Phước được cấp 5.000 bao cát để đắp bờ sông Lu khu vực cầu Mỹ Nghiệp; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cấp 1.000 bao cát để phục vụ công tác phòng, chống lũ lụt và đắp bờ kè chống sạt lở đất; Sở Giao thông vận tải phối hợp với Cảnh sát giao thông-Công an tỉnh chốt chặn các điểm sạt lở trên các tuyến đường Ninh Bình-Phước Bình; đèo Ngoạn Mục và đường ven biển để sửa chữa thông tuyến. Trong đợt mưa lũ này, các ngành, đơn vị, địa phương đã tổ chức hỗ trợ, sơ tán, di dời trên 890 hộ dân khu vực ngập lụt, sạt lở đến nơi an toàn, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của Nhân dân và Nhà nước.
Để giúp đỡ nhân dân trong tỉnh nhanh chóng ổn định đời sống và khôi phục sản xuất, tỉnh ta đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai quan tâm xem xét hỗ trợ trước mắt cho tỉnh 74,3 tỷ đồng để khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra; trong đó: 4,3 tỷ đồng để mua 200 tấn giống lúa, 10 tấn bắp giống và các loại giống hoa màu khác; 30 tỷ đồng để xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Dinh (xã Phước Sơn, Ninh Phước); 10 tỷ đồng để xây dựng kè bảo vệ hạ lưu cầu Mỹ Nghiệp (Ninh Phước) và kè chống sạt lở suối Bà Râu (Thuận Bắc); 30 tỷ đồng để sửa chữa tuyến đường Ninh Bình-Phước Bình, tuyến đường ven biển và hệ thống giao thông nông thôn. Ngoài ra, hỗ trợ 8 chiếc xuồng ST 660 CV và 6.000 áo phao, phao tròn.
Xuân Bính