Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, thời gian gần đây, tình hình bệnh lở mồm long móng (LMLM) xuất hiện tại một số xã như: Phước Chính (Bác Ái); xã Phước Thái, Phước Hậu, Phước Hữu và An Hải (Ninh Phước) với tổng số lượng mắc bệnh là 422 con, trong đó có 25 con gia súc bị chết…
Chăm sóc đàn gia súc nhằm kiểm soát tốt dịch bệnh.
Ngay sau khi phát hiện dịch, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương trực tiếp kiểm tra, triển khai nhanh các biện pháp phòng, chống dịch; tiến hành phun hoá chất tiêu độc khử trùng vùng dịch. Các địa phương cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền để người dân chủ động phòng ngừa dịch bệnh. Nhất là chú trọng việc cách ly gia súc bị bệnh và kiểm soát không cho người dân vận chuyển, mua bán, giết mổ gia súc ra, vào địa bàn trong thời gian xảy ra dịch bệnh. Đến nay, tình hình dịch bệnh đã ổn định, được khống chế và kiểm soát. Từ 20-11 đến nay, không phát sinh vật bệnh LMLM nào mới và các gia súc bệnh đã phục hồi.
Ông Trương Khắc Trí, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Chi cục đã triển khai công tác tiêm phòng LMLM kỳ 2-2016 cho đàn trâu, bò (có hỗ trợ vắc-xin và công tiêm phòng) với 62.000 liều đã thực hiện xong và tổng số hóa chất được cấp phát cho các huyện, thành phố từ đầu năm đến nay để thực hiện việc tiêu độc khử trùng là 6.678 lít Benkocid (đã sử dụng 2.469 lít và phần tồn tiếp tục sử dụng là 4.209 lít). Tuy nhiên, trước yêu cầu cấp bách, được sự đồng ý của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp bổ sung 10.000 liều vắc-xin LMLM để tiêm phòng khẩn cấp (trong tháng 12-2016) cho các xã, nguy cơ cao, các xã có tỷ lệ tiêm phòng thấp để nâng cao tỷ lệ tiêm phòng và ngăn ngừa dịch LMLM tái phát.
Ông Trương Khắc Trí cho biết thêm: Bệnh LMLM là bệnh do vi-rút gây ra, hiện không có thuốc đặc trị mà phải chú trọng phòng ngừa, làm tốt công tác vệ sinh chuồng trại và chăm sóc, cách ly tốt các gia súc mắc bệnh. Đối với gia súc đã được tiêm vắc-xin LMLM thì không lo mắc bệnh, nhưng cần chú ý đối với lượng gia súc chưa được tiêm phòng. Khi phát hiện bệnh, các hộ dân cần điều trị bằng cách dùng nước chanh, khế, dung dịch có tính a-xít để sát trùng tránh bội nhiễm và vi trùng cơ hội xâm nhập qua vết thương. Cần báo ngay cho cán bộ thú y cơ sở để được hướng dẫn, thực hiện tốt việc phòng ngừa đúng phương pháp…
Anh Tuấn