Ông Phạm Thế Vinh, Giám đốc HTX 1 Tháng 5, cho biết: Trước đây khi còn hoạt động theo mô hình cũ, HTX đã bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là việc xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh và quản lý còn thiếu tính chủ động, nên lợi ích của thành viên chưa được thể hiện rõ, do vậy nhiều người đã xin rút tên khỏi HTX để tìm việc làm mới. Một khó khăn nữa là nguồn vốn của HTX hạn hẹp, trang thiết bị máy móc thiếu thốn và lạc hậu, trong khi đó đầu ra sản phẩm khó, nên có thời điểm HTX rơi vào bế tắc. Để tháo gỡ “nút thắt” này, tháng 5-2014, HTX tổ chức Đại hội thành viên, chuyển đổi sang mô hình hoạt động mới theo Luật HTX năm 2012. Bám sát phương án sản xuất, kinh doanh đã được đại hội thông qua và dựa vào sở trường, chuyên môn của từng thành viên, người lao động, HTX đã thành lập 10 nhóm hoạt động, gồm: 1 nhóm gò hàn, 1 nhóm đúc và 8 nhóm hàn tiện; đồng thời, luôn lấy thực tế canh tác của nông dân làm nền tảng cho mọi ý tưởng sản xuất, nhờ đó đến nay hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị đã ngày càng phát triển.
Nhóm gò, hàn HTX 1 Tháng 5 gia công các nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Từ khi chuyển đổi hoạt động sang mô hình HTX kiểu mới, HTX 1 Tháng 5 có 17 thành viên tham gia (ngày mới thành lập có gần 60 thành viên), với nguồn vốn đóng góp trên 1,5 tỷ đồng. Điểm mới đáng chú ý là nếu trước đây mọi hoạt động của HTX đều do Ban Giám đốc quản lý thì nay các thành viên được giao quyền tự quyết, chịu trách nhiệm trong một số hoạt động như: Tự tìm kiếm hợp đồng, đầu tư trang thiết bị, máy móc, phân công lao động... Không những vậy, để nâng cao chất lượng sản phẩm, mang lại lợi ích cho thành viên, HTX đã mạnh dạn đầu tư trên 500 triệu đồng trang bị 14 máy cắt gọt kim loại của Nhật Bản, phục vụ sản xuất các mặt hàng mới với mẫu mã phong phú. Nhờ đó, chất lượng cũng như tính thẩm mỹ của sản phẩm do HTX sản xuất được nâng cao, tạo được niềm tin, thu hút nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh đến giao dịch, đặt hàng; doanh thu, lợi nhuận, thu nhập của người lao động ngày càng được nâng cao. Trong năm 2015, tổng doanh thu của HTX đạt trên 13 tỷ đồng, đạt 523% kế hoạch đề ra, tạo việc làm thường xuyên cho 24 lao động, với thu nhập bình quân từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Riêng trong 9 tháng năm nay, doanh thu HTX đạt trên 4,2 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động, với thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng, nộp ngân sách trên 1,2 tỷ đồng.
Sau một thời gian hoạt động cầm chừng, đến nay có thể nói HTX 1 Tháng 5 đã tìm được hướng đi thích hợp. Với kinh nghiệm thâm niên trong ngành cơ khí, đơn vị đang tập trung sản xuất các khâu dịch vụ như: Gia công sửa chữa cơ giới; sản xuất các thiết bị, máy móc phục vụ cho ngành Nông nghiệp, Thủy sản; đúc gang, đồng phục vụ trong ngành Xây dựng, Giao thông… Trong đó, có một số sản phẩm mà HTX sản xuất ra như máy sục khí đìa nuôi tôm, máy băm cỏ, máy cắt tách vỏ hạt điều… đã giúp cho nhiều doanh nghiệp và nông dân trong tỉnh ứng dụng vào sản xuất rất hiệu quả. Đáng kể hơn là hiện nay HTX 1 Tháng 5 đang có tham vọng hướng tới cho ra mắt các sản phẩm máy móc, nông cụ đạt chất lượng cao mang thương hiệu “Made in Việt Nam”, để phục vụ nhu cầu cơ khí hóa trong sản xuất và chế biến của ngành Nông nghiệp và Công nghiệp.
Để thực hiện mục tiêu này, theo ông Phạm Thế Vinh, ngoài việc tập trung củng cố công tác quản lý, điều hành, thời gian tới, HTX sẽ đầu tư thêm máy móc để mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng hóa các loại sản phẩm. Đặc biệt, HTX còn đặt ra tiêu chí, đó là sản phẩm của HTX sản xuất ra phải đạt chất lượng cao. Vì thế, đơn vị chú trọng hơn đến vấn đề nguồn nhân lực, nâng cao tay nghề cho người lao động, tăng cường công tác tiếp thị, quảng bá sản phẩm, nhằm nâng hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng thêm thu nhập, ổn định đời sống cho thành viên và người lao động tham gia HTX.
Nhật Lệ