Tích cực phòng trừ sâu, bệnh hại lúa

(NTO) Vụ mùa năm nay, tuy gặp nhiều khó khăn do tình hình thời tiết phức tạp, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, cùng với ngành Nông nghiệp, chính quyền địa phương và sự nỗ lực của bà con nông dân, toàn tỉnh đã gieo cấy được trên 14.500ha lúa mùa. Hiện trà lúa chính vụ đang ở giai đoạn làm đòng và trổ, trà muộn ở giai đoạn đẻ nhánh. Tuy nhiên, tình hình sâu bệnh trên diện tích lúa diễn biến phức tạp và đang có chiều hướng gia tăng.

Qua kết quả kiểm tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh, hiện toàn tỉnh có hơn 120ha lúa bị bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá, sâu đục thân và bệnh lem lép hạt. Trong đó, sâu cuốn lá xuất hiện trên 56ha ở giai đoạn lúa từ đẻ nhánh đến làm đòng với mật độ 3-7 con/m2, phân bố rải rác toàn tỉnh; sâu đục thân gây hại trên diện tích 33ha, chủ yếu ở huyện Ninh Phước, Thuận Bắc, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm; bệnh đạo ôn 31ha, tỷ lệ 5-10% và bệnh lem lép hạt 10ha ở huyện Ninh Sơn. Nếu tính toàn vụ, đã có 620ha lúa bị sâu bệnh, trong đó nặng nhất là sâu đục thân với 360ha, xuất hiện chủ yếu tại huyện Ninh Phước. Ngoài ra, còn có một số đối tượng dịch hại khác như: bọ trĩ gây hại 32ha, sâu cuốn lá nhỏ trên diện tích 59ha, bệnh khô vằn 21ha, đạo ôn 30ha…

 
Nông dân xã Phước Nam (Thuận Nam)  tích cực thăm đồng, chăm sóc lúa vụ mùa.

Ông Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV tỉnh, cho biết: Nổi lên trong vụ này là tình hình sâu đục thân, sâu cuốn lá và bệnh đạo ôn. Trong đó, sâu đục thân cũng đã xuất hiện mật độ cao tập trung ở các địa phương như xã Phước Thái (Ninh Phước); Lợi Hải, Bắc Sơn (Thuận Bắc); Phước Ninh (Thuận Nam). Lứa sâu này gây hại lúa từ khi mới gieo sạ 25-30 ngày, nhưng do được phát hiện, xử lý kịp thời nên cây lúa có khả năng phục hồi đẻ nhánh, không bị thiệt hại nhiều. Qua theo dõi, những diện tích lúa bị sâu bệnh là do bà không tuân thủ kế hoạch thời vụ mà tự ý gieo, nhất là một số vùng ở chân ruộng gò, sâu đục thân tập trung gây hại nhiều; hay những vùng sản xuất bị dồn vụ bà con không tiến hành cày ải, phơi đất nên vẫn còn mầm bệnh phát sinh gây hại.

Trước diễn biến sâu, bệnh hại lúa có nguy cơ ảnh hưởng đến năng suất lúa vụ mùa, Chi cục TT&BVTV tỉnh đã thường xuyên ra thông báo tình hình sâu, bệnh hại lúa; tăng cường cán bộ xuống cơ sở cùng với cán bộ khuyến nông các huyện, thành phố triển khai các biện pháp tổ chức, chỉ đạo phòng trừ có hiệu quả. Chi cục cũng đề nghị các địa phương giám sát việc kinh doanh thuốc BVTV và sử dụng thuốc của nông dân, tránh tình trạng dùng thuốc kém hiệu quả, kháng thuốc, bảo đảm năng suất cây lúa. Vì vậy, nhiều diện tích có mật độ rầy nâu, sâu đục thân cao đã được phòng trừ kịp thời, cơ bản khống chế, giảm thiểu thiệt hại.

Ông Phạm Dũng cho biết thêm: Giải pháp tiếp theo trên cây lúa mùa đối với trà đã trổ đòng, bà con cần tiếp tục thăm đồng, theo dõi để xử lý đối với bọ xít gây hại. Với diện tích lúa chưa trổ, tiếp tục tập trung giám sát bệnh đạo ôn trên lá, cổ bông, sâu đục thân và rầy nâu. Khi xuất hiện sâu bệnh, cần tập trung khoanh vùng xử lý, giám sát, đưa nước vào ruộng và phun thuốc kịp thời để khống chế. Mặt khác, tiến hành bón thúc lần 3, tăng tỷ lệ kali lên để giúp cây lúa khỏe, cứng không bị đổ ngã. Những diện tích lúa đã chín tranh thủ thu hoạch theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, để phòng trường hợp thời tiết mưa bão gây hư hại.

Theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, thời gian tới, thời tiết còn diễn biến rất phức tạp, nắng, mưa xen kẽ là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh gây hại mạnh. Do đó, các địa phương cần tăng cường cán bộ kỹ thuật để kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn nông dân phòng trừ một cách hiệu quả; hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra.