Để đẩy nhanh giảm tỷ lệ hộ nghèo, thời gian qua, cấp ủy và chính quyền địa phương đã lồng ghép các nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ bà con phát triển sản xuất, tạo được chuyển biến tích cực. Đến nay, trên địa bàn đã hình thành các mô hình thâm canh lúa nước quy mô 160 ha, mì cao sản, bắp lai quy mô hàng trăm ha góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống của người dân. Tuy vậy, sản xuất ở địa phương còn mang nặng tính tự cung, tự cấp, chưa tạo ra sản phẩm hàng hóa. Hưởng lợi Dự án Hỗ trợ Tam nông (HTTN), Ban Phát triển xã tập trung thực hiện hợp phần Chuỗi giá trị vì người nghèo và hợp phần Phát triển cộng đồng (CDF) có hiệu quả. Cụ thể, các chuỗi giá trị vì người nghèo được phân tích và lựa chọn sát với tình hình thực tế sản xuất ở xã mang tính đặc thù cao, như chuỗi heo đen, mì, bắp, lúa, bò, dê, cừu. Để thúc đẩy các chuỗi giá trị phát triển, từ năm 2013 đến nay, Dự án HTTN đã hỗ trợ nông dân giống cây trồng, vật nuôi phát triển sản xuất theo hướng bền vững. Đơn cử, năm 2014, nhóm cùng sở thích nuôi bò ở thôn Ma Oai và thôn Ma Ty mỗi nhóm được hỗ trợ 10 con bò cái, đến nay đều sinh bê, tạo sinh kế cho các hộ nghèo. Một số hộ ở nhóm cùng sở thích nuôi gà cũng được hỗ trợ giống đang tiếp tục tái sản xuất tăng đàn từ 37 con ban đầu lên 300 con hiện nay. Riêng nhóm dê, cừu được dự án hỗ trợ giống vào cuối năm 2015, đến nay có một số đã đẻ từ 1-2 lứa.
Thông qua Quỹ CDF, anh Pinăng Truyền ở thôn Ma Ty, xã Phước Thắng (Bác Ái) được hỗ trợ bò giống phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị
Đối với hợp phần CDF, kết quả đạt được hơn mong đợi. Nổi lên là xã sử dụng có hiệu quả nguốn vốn từ Quỹ CDF để đầu tư cơ sở vật chất phục vụ các chuỗi giá trị, phát triển sản xuất và kinh doanh theo chuỗi giá trị ưu tiên. Đến nay, đã có 230 công trình kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư từ Quỹ CDF đi vào hoạt động, với tổng kinh phí hàng tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này, cùng với sự đóng góp của người dân, các tuyến đường giao thông từ thôn Ma Ty đi vào khu sản xuất tập trung, đường từ thôn Ma Oai đi suối A Le, thôn Chà Đung… được bê-tông phục vụ các chuỗi giá trị bắp, lúa, bò. Cùng với đó, có 200 hộ dân ở các nhóm cùng sở thích và tổ hợp tác được hỗ trợ vật tư và kết cấu hạ tầng thiết yếu từ Quỹ CDF để phát triển sản xuất và kinh doanh.
Đồng chí Katơr Phương, Chủ tịch UBND xã Phước Thắng, cho biết: Việc thực hiện các hợp phần trọng tâm của Dự án HTTN có hiệu quả đã góp phần thay đổi phương thức sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tạo sinh kế cho nhiều hộ vươn lên thoát nghèo. Tuy vậy, quá trình thực hiện hợp phần Chuỗi giá trị vì người nghèo vẫn còn bộc lộ một số hạn chế cần được khắc phục. Sản xuất theo chuỗi giá trị là thực hiện chu kỳ khép kín từ khâu đầu vào đến đầu ra, nhưng việc tiêu thụ sản phẩm chưa tiếp cận được thị trường, sự liên kết giữa người sản xuất với các sơ sở, doanh nghiệp thu mua nông sản chưa chặt chẽ, giá cả các mặt hàng nông sản thiếu ổn định. Trong thời gian tới, hoạt động của Ban Phát triển xã hướng vào củng cố, nâng cao chất lượng sinh hoạt của các nhóm cùng sở thích; đồng thời, tiếp tục vận động các hộ nghèo, cận nghèo, phụ nữ tham gia vào các nhóm cùng sở thích mới. Nâng cao năng lực cho các nhóm cùng sở thích về mặt tổ chức, quy chế hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý tài chính để các nhóm hoạt động hiệu quả hơn. Phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại kết nối doanh nghiệp với các nhóm cùng sở thích trong việc cung cấp đầu vào cho sản xuất nông nghiệp cũng như tiêu thụ sản phẩm. Gắn kết các nguồn lực từ dự án như Quỹ CBG, CSG, CDF… để hỗ trợ các nhóm cùng sở thích và doanh nghiệp liên kết sản xuất theo các chuỗi giá trị ưu tiên.
Anh Tùng