Tiếp tục xây dựng Nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm đặc thù

(NTO) Ban Phát triển sản phẩm đặc thù tỉnh vừa thực hiện chương trình khảo sát, đánh giá về tình hình sản xuất các mặt hàng nông sản trên toàn tỉnh, qua đó đã chọn các nhóm sản phẩm được xem là đặc thù. Trong số 11 sản phẩm đặc thù, có 4 sản phẩm (nho, táo, tỏi, cừu) đã được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cấp bằng bảo hộ dưới 2 hình thức là Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu tập thể. Để tiếp tục phát triển các sản phẩm đặc thù, Sở KH&CN đang tiếp tục xây dựng Nhãn hiệu chứng nhận cho tôm giống và nước mắm Cà Ná.

 
Hoạt động sản xuất tôm giống chất lượng cao ở Công ty TNHH Giống thủy sản Hisenor.

Đồng chí Phạm Thanh Hưng, Trưởng phòng Quản lý công nghệ và chuyên ngành (Sở KH&CN), cho biết: Lựa chọn 2 sản phẩm trên xây dựng Nhãn hiệu chứng nhận bởi có điểm đặc trưng riêng. Đối với tôm giống, tỉnh ta có điều kiện tự nhiên thuận lợi để sản xuất số lượng nhiều, đảm bảo chất lượng. Với sản lượng 24 tỷ con tôm giống/năm, cung cấp 40% nhu cầu nuôi trên toàn quốc đã đưa tỉnh ta trở thành trung tâm sản xuất tôm giống của cả nước. Hiện nay, tỉnh đã quy hoạch 3 khu vực sản xuất tôm giống tập trung ở An Hải (Ninh Phước), Tri Hải (Ninh Hải), Cà Ná (Phước Nam) quy mô trên 200ha, với 450 cơ sở/1.200 trại. Điều đáng nói là, từ lợi thế về điều kiện tự nhiên thuận lợi, cùng với việc tỉnh ban hành các chính sách ưu đãi đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đến tỉnh ta làm ăn lâu dài. Tính đến nay, có 220 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực sản xuất giống thủy sản; trong đó, có những doanh nghiệp lớn như: Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty TNHH Giống thủy sản Hisenor, Công ty TNHH Việt Úc… đầu tư công nghệ hiện đại vào sản xuất với sản lượng hàng trăm triệu con giống/năm.

Riêng nước mắm Cà Ná cũng là sản phẩm đặc trưng của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Nghề làm nước nắm ở Cà Ná được hình thành cách đây hàng trăm năm, tạo thu nhập ổn định cho các hộ làm nghề. Hiện nay, trên địa bàn có 265 hộ chuyên làm nghề sản xuất nước mắm, tổng giá trị sản xuất ước đạt 38 tỷ đồng/năm. Nghề sản xuất nước mắm ở Cà Ná đang ngày càng phát triển theo hướng bền vững, trước đây đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu thông thường, nhưng khai thác không hiệu quả, do đó cần tiếp tục xây dựng thương hiệu.

Đồng chí Phạm Thanh Hưng cho biết thêm: Việc xây dựng Nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm trên là cần thiết, nhằm chứng minh các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hóa, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng. Khi được xác lập quyền và bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận không những tạo dựng được hình ảnh uy tín trên thị trường cả nước, mà còn ngăn chặn tình trạng hàng nhái, hàng giả.

Từ việc xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm đặc thù mang lại nhiều lợi ích cho hộ sản xuất, kinh doanh, nên Sở KH&CN đang thực hiện cơ chế hỗ trợ, hướng dẫn làm hồ sơ, kiểm định chất lượng, hoàn thiện các thủ tục để đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ cấp Nhãn hiệu chứng nhận cho tôm giống và nước mắm Cà Ná vào cuối năm nay. Kế tiếp, Sở KH&CN sẽ xây dựng Nhãn hiệu chứng nhận cho một số sản phẩm đặc thù khác, tiêu biểu là dê Bách Thảo. Đây là giống dê kiêm dụng thịt và sữa nổi tiếng, sinh trưởng và phát triển nhanh, dễ nuôi, chống chịu được điều kiện khí hậu nắng nóng. Cũng như tôm giống, tỉnh ta là trung tâm nuôi dê của cả nước với tổng đàn gần 100.000 con. Trung tâm Nghiên cứu dê và thỏ Sơn Tây đóng tại Thuận Bắc đã tuyển chọn, nhân thuần, tạo dựng đàn giống gốc có chất lượng thịt cao cung cấp cho các hộ nuôi trên quy mô lớn, khi được bảo hộ thương hiệu giá trị sản phẩm sẽ tăng lên.