Thông báo kết luận nêu rõ, hoạt động bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam trong những năm qua đã đạt được một số kết quả nhất định. Hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ cơ bản đã đáp ứng được các chuẩn mực quốc tế, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ; góp phần quan trọng cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh.
Công tác tiếp nhận và xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được thực hiện với khối lượng đơn ngày càng nhiều, thúc đẩy việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp; triển khai có hiệu quả hoạt động hỗ trợ quản lý, khai thác, sử dụng và phát triển tài sản trí tuệ; hoạt động đào tạo và tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức xã hội về sở hữu trí tuệ đạt được nhiều tiến bộ; công tác hợp tác và hội nhập quốc tế về sở hữu trí tuệ được chú trọng và mở rộng.
Ảnh minh họa.
Bên cạnh đó, hoạt động của Cục Sở hữu trí tuệ còn một số tồn tại, công tác xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp chậm, thời hạn xử lý đơn dài, gây bức xúc cho doanh nghiệp và xã hội. Quy trình, thủ tục và việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc còn hạn chế, chậm đổi mới...
Đẩy mạnh lĩnh vực sở hữu trí tuệ trong thời gian tới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành khoa học và công nghệ. Để sở hữu trí tuệ thực sự là động lực cho đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo Cục Sở hữu trí tuệ sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ phù hợp với thông lệ quốc tế và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; các quy định liên quan đến trình tự, thủ tục, điều kiện hoạt động trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp và dịch vụ sở hữu công nghiệp; loại bỏ những quy định gây khó khăn, bức xúc cho doanh nghiệp và xã hội; tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và sản xuất, kinh doanh.
Về việc xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo Cục Sở hữu trí tuệ tập trung từng bước rút ngắn thời hạn xử lý đơn, sớm khắc phục tình trạng tồn đọng đơn. Cải tiến, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn quy trình; đẩy mạnh phân cấp trong thẩm định đơn; hoàn thiện cơ sở dữ liệu và công cụ tra cứu. Có cơ chế huy động các cơ sở nghiên cứu, giảng dạy tham gia thẩm định đơn đăng ký sáng chế, từng bước xã hội hóa một số khâu trong xác lập quyền sở hữu công nghiệp; chia sẻ kết quả trong xử lý đơn. Đẩy mạnh đào tạo để tăng số lượng và nâng cao chất lượng thẩm định viên. Nghiên cứu, áp dụng kinh nghiệm quốc tế trong xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin thông qua hình thức dịch vụ công trực tuyến trong việc tiếp nhận, xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp.
Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo Cục Sở hữu trí tuệ khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ 2016-2020, đưa quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp, tổ chức thành tài sản trí tuệ, đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Đồng thời sớm kiện toàn nhân sự của Cục Sở hữu trí tuệ nhằm thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước và hoạt động sự nghiệp trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch, tạo sự đoàn kết, nhất trí trong các hoạt động nội bộ.
Nguồn www.chinhphu.vn