Đẩy mạnh công tác quản lý tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng

Từ đầu năm đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Qua đó, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thực hiện Kế hoạch số 839/KH-UBND ngày 27/2/2024 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án “Tăng cường đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp (DN) Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế”, Sở KH&CN đã hướng dẫn, hỗ trợ sản xuất hàng đóng gói sẵn nhằm nâng cao nghiệp vụ về đo lường trong việc kiểm soát lượng hàng đóng gói sẵn cho 5 DN. Hướng dẫn các cơ sở kinh doanh xăng dầu thực hiện các quy định về đo lường trong kinh doanh. Tiếp nhận, thẩm tra và ban hành 12 thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp chuẩn cho các sản phẩm là cửa nhà bằng kim loại, hỗn hợp bê tông trộn sẵn; hỗn hợp bê tông nhựa nóng; cấp phối đá dăm của 7 DN. Cập nhật 147 tiêu chuẩn quốc gia vào kho tài liệu tiêu chuẩn, nâng tổng số tiêu chuẩn tại kho tài liệu lên 1.007 tiêu chuẩn để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn tại địa phương.

Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị tập huấn về thu thập dữ liệu bộ tiêu chí
đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2024. Ảnh: T.M

Triển khai Chương trình quốc gia hỗ trợ DN nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2024, Sở KH&CN phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ phát triển DN vừa và nhỏ đề xuất 2 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia dự kiến thực hiện từ năm 2025, gồm: Hỗ trợ DN xây dựng và triển khai kế hoạch năng suất, thông qua giải pháp áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng tiên tiến phù hợp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận; Xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý tinh gọn LEAN kết hợp hệ thống quản lý năng lực và chất lượng phòng xét nghiệm y tế theo tiêu chuẩn ISO 15189:2022 để nâng cao năng suất chất lượng cho các tổ chức, DN trong lĩnh vực y tế trên địa bàn tỉnh. Sở cũng đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Tổ chức và Kinh tế số đề xuất nhiệm vụ “Xây dựng và triển khai mô hình nâng cao năng suất chất lượng dựa trên áp dụng các công cụ cải tiến, nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; nhằm thúc đẩy các hoạt động năng suất chất lượng, hướng tới sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh cho một số đơn vị sự nghiệp, DN và hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận”.

Đối với hoạt động truy xuất nguồn gốc, Sở KH&CN đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc năm 2024”. Trên cơ sở đó, đề nghị Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia phối hợp cung cấp danh sách DN thực hiện mã số, mã vạch để triển khai đề án; ban hành hướng dẫn về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa; phối hợp với Công ty Cổ phần Công nghệ Checkee đề xuất đặt hàng nhiệm vụ KH&CN “Xây dựng hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa tỉnh Ninh Thuận”.

Để đảm bảo công tác quản lý tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng đi vào chiều sâu, Sở KH&CN chỉ đạo Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Trong 6 tháng đầu năm, Chi cục tiến hành kiểm định, hiệu chuẩn và thử nghiệm 5.221 phương tiện đo các loại của 360 cơ sở. Kết quả, có 4.547 phương tiện đo đạt và 664 phương tiện đo không đạt. Thực hiện thi công 2 hệ thống chống sét tại Công ty Cổ phần Xây dựng Ninh Thuận; kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo tại 7 cơ sở với tổng số lượng thiết bị đã thực hiện là 31 thiết bị; cung cấp biên bản kỹ thuật đo lường công tơ điện cho 3 đơn vị; kiểm tra sự phù hợp về yêu cầu kỹ thuật đo lường tại cửa hàng xăng dầu thuộc chi nhánh Xăng dầu Ninh Thuận cho 670 cột đo xăng dầu. Triển khai thực hiện hoàn thành 3 đợt kiểm tra về đo lường, chất lượng hàng hóa đối với hàng đóng gói sẵn; chất lượng và nhãn sản phẩm, hàng hóa trong sản xuất sau công bố; chất lượng hàng hóa là dầu nhờn động cơ đốt trong lưu thông trên thị trường. Kiểm tra chuyên ngành về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng tại 26 cơ sở, lấy 10 mẫu thử nghiệm, kết quả đạt yêu cầu về chất lượng theo quy định.

Có thể nói, công tác quản lý tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng gần đây có nhiều đổi mới, ngày càng công khai, minh bạch. Thông qua các đợt kiểm tra tại cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã góp phần ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của DN, người tiêu dùng. Qua các đợt kiểm tra cho thấy, đa số các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh chấp hành tốt các quy định về tiêu chuẩn đo lường, hàng hóa cơ bản đáp ứng chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.