Tp. Phan Rang-Tháp Chàm: Chú trọng kiểm soát dân số vùng biển

(NTO) Nhờ triển khai có hiệu quả Đề án “Kiểm soát dân số vùng biển, ven biển” (Đề án 52) nên chất lượng dân số vùng biển Tp. Phan Rang-Tháp Chàm ngày càng nâng cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Bà Quảng Thị Như Ý, Giám đốc Trung tâm Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, cho biết: Đề án được triển khai tại 5 phường, gồm: Mỹ Đông, Mỹ Hải, Mỹ Bình, Văn Hải và Đông Hải với các hoạt động như: Thành lập các đội dịch vụ lưu động tuyên truyền; cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, KHHGĐ cho người dân vùng biển; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương tăng cường công tác truyền thông thay đổi hành vi bằng các hình thức họp nhóm, phát thanh và tư vấn trực tiếp tại các điểm cung cấp dịch vụ; tổ chức khảo sát thu thập các thông tin DS-KHHGĐ cùng một số thông tin đặc thù vùng biển để đưa vào quản lý....

Trẻ em làng biển Phú Thọ thuộc phường Đông Hải (Tp. Phan Rang- Tháp Chàm) được đến trường học tập.
Ảnh: Sơn Ngọc

Để triển khai Đề án 52 có hiệu quả, từ nguồn hỗ trợ của dự án, các địa phương chú trọng lồng ghép mục tiêu dân số vào các hoạt động kinh tế-xã hội. Đổi mới các hình thức tuyên truyền như cấp phát tờ rơi kết hợp với tuyên truyền trên sóng phát thanh về kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ, từng bước thay đổi nhận thức của người dân. Đặc biệt, trong hoạt động truyền thông, ngành luôn chú trọng hướng tới đối tượng nam giới để họ có trách nhiệm hơn. Bên cạnh đó, địa phương còn tổ chức nhiều buổi sinh hoạt, nói chuyện chuyên đề về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, tình bạn, tình yêu, phòng chống mang thai ngoài ý muốn cho đối tượng thanh-thiếu niên...

Là một trong những địa phương thực hiện Đề án 52, những năm qua, phường Mỹ Đông luôn nỗ lực thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ. Toàn phường có 9 khu phố, với 3.744 chị em trong độ tuổi sinh đẻ. Với nghề chủ yếu là nuôi trồng, đánh bắt hải sản nên đa số hộ dân địa phương muốn sinh nhiều con, đặc biệt là con trai để phụ giúp gia đình, nên tình trạng sinh con thứ 3 trở lên khá phổ biến. Trước tình hình đó, các cộng tác viên thường xuyên về cơ sở vận động người dân sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại; tổ chức sinh hoạt nhóm nhỏ, nói chuyện chuyên đề, tư vấn sức khỏe sinh sản/KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; thành lập và duy trì có hiệu quả hoạt động của Câu lạc bộ “Không sinh con thứ 3”. Chị Trương Thị Như Ý, cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ phường, cho biết: Thông qua các đợt tuyên truyền, vận động, ý thức của người dân trong việc thực hiện KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em được nâng lên. Đến nay, nhiều khu phố chỉ có 1 trường hợp sinh con thứ 3, nhờ đó tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm còn 7,03% (năm 2015); tỷ lệ người sử dụng biện pháp tránh thai đến nay đạt 67%.

Với phương châm “mưa dầm, thấm lâu”, đội ngũ cộng tác viên luôn bám sát cơ sở, nhờ vậy công tác DS-KHHGĐ vùng biển trên địa bàn có chuyển biến tích cực. Từ đầu năm đến nay, có 9.138 phụ nữ vùng biển sử dụng các biện pháp tránh thai (đạt 128%), trong đó các biện pháp như triệt sản, đặt dụng cụ tử cung đều đạt tỷ lệ cao.

Nhằm phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, huy động sự tham gia của toàn xã hội thực hiện công tác DS-KHHGĐ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, mở các lớp truyền thông đến tận cơ sở; nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ và chăm sóc sức khỏe sinh sản, phấn đấu đến cuối năm 2016 tỷ lệ sinh dưới 0,85%, tỷ lệ sinh con thứ ba dưới 5%, tỷ lệ áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt trên 72%.