VẤN ĐỀ - SỰ KIỆN:

Gỡ khó cho xuất khẩu lao động!

(NTO) Theo báo cáo của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh, 9 tháng năm 2016, toàn tỉnh đã có gần 12.780 lao động được giải quyết việc làm, đạt 82,44% kế hoạch, trong đó việc làm trong tỉnh có 3.686 người; việc làm ngoài tỉnh trên 9.040 người. Riêng xuất khẩu lao động (XKLĐ) đã có chuyển biến tích cực, tính trong 10 tháng, toàn tỉnh có 61 người đi, tuy chỉ mới đạt 50,83% kế hoạch năm nhưng nếu so cùng kỳ năm trước đã tăng đến 56,41%. Trong số này, cao nhất là Nhật Bản có 32 lao động, thấp nhất như Singapore chỉ có 1 lao động… Địa phương có số lao động đi xuất khẩu nhiều nhất là Ninh Phước có 14 người, kế đến Ninh Hải có 13 người, Phan Rang–Tháp Chàm 12 người…, thấp nhất là Thuận Bắc 1 người.

 
Cán bộ tư vấn xuất khẩu lao động cho thanh niên huyện Ninh Phước. Ảnh: Thế Quang

Có thể nói, để đạt được những kết quả nêu trên, ngoài nỗ lực rất lớn của các ngành, địa phương trong việc tập trung chỉ đạo thực hiện đến việc mở nhiều phiên giao dịch việc làm và tư vấn XKLĐ cho gần 1.040 lao động... Mặt khác, ngành chức năng đã mở rộng quan hệ hợp tác với hàng chục công ty XKLĐ, nâng tổng số công ty XKLĐ đã được chấp thuận cho tuyển lao động trong tỉnh hiện có 23 công ty để người lao động có nhiều cơ hội lựa chọn các đơn hàng phù hợp với yêu cầu, trình độ, khả năng. Ngoài ra, một số lao động đã đi XKLĐ làm việc có hiệu quả, thường xuyên gởi tiền về cho gia đình, thu nhập khá… trở thành minh chứng cho các lao động khác tin tưởng về khả năng cải thiện cuộc sống khi lao động ngoài nước...

Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn đó không ít khó khăn cần phải giải quyết. Khó khăn đầu tiên cần đề cập đến là phần lớn người lao động trình độ học vấn còn thấp, chưa có tay nghề, chưa có ngoại ngữ… nên thiếu tự tin để đăng ký đi làm việc ở nước ngoài. Nhiều trường hợp còn ngại xa gia đình, thậm chí có một số lao động do chưa chuẩn bị kỹ về tâm lý, tư tưởng nên khi đến nước ngoài thì không làm việc và đề nghị chấm dứt hợp đồng trước thời hạn!. Kế đến là công tác tuyên truyền, nhất là từ các thôn, khu phố nên người dân chưa nắm rõ về chủ trương, thị trường XKLĐ… để có thể tham gia. Theo khảo sát của ngành Lao động, kết quả bình quân 1 đợt tư vấn chỉ có 11 người tham gia, trong đó có 8 lao động và 3 người là cha, mẹ, anh, chị, em ngoài tuổi lao động. Có 12,2% (5/41) cuộc tư vấn không có lao động tham dự và 36,58% (15/41) cuộc tư vấn có dưới 10 lao động nên kết quả tư vấn không cao. Chi phí cho XKLĐ khá cao ở một số nước cũng là “rào cản”, đơn cử như thị trường Nhật Bản chi phí bình quân từ 100-140 triệu đồng/người lao động, trong khi đó đa số người có nhu cầu đi XKLĐ ở nông thôn còn khó khăn về kinh tế, bản thân và gia đình không đủ điều kiện tham gia.

Để tháo gỡ những khó khăn, theo đề nghị của các địa phương, tỉnh cần thành lập Quỹ hỗ trợ XKLĐ để tránh trường hợp người lao động đăng ký tham gia nhưng không đủ tiền nên phải hủy. Các địa phương cũng đề xuất là cần mở rộng thêm thị trường để người lao động có cơ hội lựa chọn đơn hàng phù hợp khả năng, tay nghề và kinh phí... Thiết nghĩ, để XKLĐ trở thành “hấp lực” và là cơ hội tạo việc làm, giúp thoát nghèo cho một bộ phận người dân trong tỉnh đòi hỏi sự nỗ lực cao của các địa phương và ngành liên quan, đặc biệt là nhận thức đầy đủ của người dân về vấn đề này.