Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý tổng hợp đới bờ, tài nguyên môi trường biển trên địa bàn tỉnh

LTS: Ngày 6-10-2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 22-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý tổng hợp đới bờ, tài nguyên môi trường biển trên địa bàn tỉnh. Báo Ninh Thuận trân trọng giới thiệu toàn văn chỉ thị này.

Trong những năm qua, công tác quản lý tổng hợp đới bờ, tài nguyên môi trường biển trên địa bàn tỉnh đã được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được một số kết quả quan trọng. Bước đầu đã xây dựng được Chương trình hành động thực hiện Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; xây dựng Kế hoạch theo dõi, giám sát và đánh giá kết quả triển khai thực hiện; thực hiện Quy chế phối hợp quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển trên địa bàn tỉnh, tạo sự liên kết đồng bộ trong việc phối hợp quản lý giữa các cấp, các ngành, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và phát triển bền vững tài nguyên và môi trường biển tại địa phương; triển khai một số dự án, chương trình, nhiệm vụ có liên quan đến quản lý tổng hợp đới bờ, tài nguyên môi trường biển; xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu về tài nguyên-môi trường vùng bờ của tỉnh; công tác tuyên truyền được chú trọng, qua đó đã góp phần làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh, cải thiện đời sống nhân dân ở vùng ven biển, bảo đảm quốc phòng-an ninh, bảo vệ môi trường biển.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được công tác quản lý tổng hợp đới bờ, tài nguyên môi trường biển trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế như: Công tác quản lý tổng hợp đới bờ, tài nguyên môi trường biển còn nhiều lúng túng, bị động; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên môi trường biển chưa được thường xuyên và chưa được mở rộng đến địa bàn dân cư sống xa khu vực ven biển.

Việc khai thác tài nguyên biển tại đới bờ để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều hạn chế; ô nhiễm môi trường tại các cảng cá, bến cá, cửa sông, cửa biển và vùng dân cư tập trung ven biển đang có xu hướng gia tăng; các hệ sinh thái tự nhiên như: thảm cỏ biển, rạn san hô, vùng đất ngập nước, rừng ngập mặn…chưa được điều tra, đánh giá cụ thể; mâu thuẫn lợi ích trong quá trình khai thác sử dụng không gian biển ngày càng nhiều; sự phối hợp trong quản lý, khai thác và bảo vệ nguồn tài nguyên môi trường biển giữa các ngành, giữa chính quyền và nhân dân chưa đồng bộ và toàn diện; hợp tác trong và ngoài nước trên lĩnh vực khoa học công nghệ biển, điều tra cơ bản tài nguyên-môi trường biển trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế; kinh nghiệm quản lý tổng hợp đới bờ còn thiếu.

Những hạn chế, yếu kém trên có nhiều nguyên nhân, nhưng tập trung chủ yếu vào một số nguyên nhân sau: Một số cấp ủy, chính quyền, một bộ phận cán bộ đảng viên, nhất là cấp cơ sở nhận thức về công tác quản lý tổng hợp đới bờ, tài nguyên môi trường biển, về vị trí, vai trò của biển đối với sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng, bảo vệ môi trường chưa thật sự toàn diện và sâu kỹ; một số nơi thiếu kiểm tra, giám sát, thậm chí có lúc còn buông lỏng sự lãnh đạo, quản lý; việc phát hiện xử lý không kịp thời, thiếu kiên quyết, đùn đẩy, né tránh; kinh phí đầu tư cho công tác quản lý tổng hợp đới bờ, tài nguyên môi trường biển chưa đáp ứng yêu cầu; đội ngũ chuyên môn làm công tác quản lý tổng hợp tài nguyên-môi trường thiếu về số lượng và còn yếu về chuyên môn; hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý tổng hợp đới bờ, tài nguyên môi trường biển còn bất cập, thiếu tính ổn định nên quá trình thực thi nhiệm vụ chồng chéo.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả quản lý tổng hợp đới bờ, tài nguyên môi trường biển trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới; Ban Thường vụ tỉnh ủy yêu cầu các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau đây:

I/ Mục đích, yêu cầu

- Tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện đạt kết quả Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/02/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; Chương trình hành động số 104-CTr/TU ngày 13/6/2007 của Tỉnh ủy về triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII về phát triển các ngành kinh tế biển

- Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng từ tỉnh đến huyện, xã, thôn, nhất là tại các địa bàn nơi có biển, nhằm nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân trong công tác quản lý tổng hợp đới bờ, tài nguyên môi trường biển trên địa bàn tỉnh

- Hoàn thiện chính sách, pháp luật tạo cơ sở pháp lý thực hiện hiệu quả quản lý tổng hợp đới bờ; bảo đảm khai thác, sử dụng hợp lý các tài nguyên và bảo vệ môi trường đới bờ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững; tăng cường sự tham gia của cộng đồng và các tổ chức xã hội trong quá trình xây dựng các chính sách và triển khai thực hiện các hoạt động liên quan đến quản lý tổng hợp đới bờ

II/ Nhiệm vụ trọng tâm

1/ Tiếp tục quán triệt đầy đủ, nghiêm túc các chủ trương, chính sách, pháp luật của Quốc hội, Đảng, Nhà nước về công tác quản lý tổng hợp đới bờ, tài nguyên môi trường biển trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc tổ chức, quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên biển một cách có hiệu quả, bền vững; xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài nhằm huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng tham gia

2/ Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển, đầu tư xây dựng, quản lý đất đai và phát triển đô thị, du lịch ven biển, bảo đảm phục vụ tốt cho phát triển kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng, trong đó, chú trọng nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu về công tác quản lý tổng hợp đới bờ, tài nguyên môi trường biển trên địa bàn mình phụ trách

- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp nhằm khắc phục các hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý tổng hợp đới bờ, tài nguyên môi trường biển; trong đó, chú trọng tăng cường, thường xuyên rà soát, kiểm tra, thanh tra và theo dõi việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý tổng hợp đới bờ, tài nguyên môi trường biển; nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về tài nguyên môi trường biển.

3/ Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở, ngành, địa phương liên quan cụ thể hóa, triển khai có hiệu quả Quyết định số 2295/Q Đ-TTg, ngày 17/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

- Tiến hành rà soát và cụ thể hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tổng hợp đới bờ, tài nguyên môi trường biển phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh; tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thực hiện tại các ngành, địa phương, đơn vị, nhất là các địa phương ven biển; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm. Chú trọng thực hiện việc phân quyền, phân công trách nhiệm rõ ràng, cụ thể cho các cấp, các ngành trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

- Tăng cường công tác quản lý, khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; chủ động phối hợp với các Bộ, ngành trung ương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản tài nguyên-môi trường trong phạm vi vùng biển của tỉnh; tiến hành khảo sát, điều tra, đánh giá cụ thể về tài nguyên, môi trường biển, để làm cơ sở xác lập luận cứ khoa học, tạo cơ sở vững chắc cho việc lập quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển và xác định các khu bảo tồn các loài sinh vật biển quý hiếm cần được bảo vệ và đảm bảo an ninh - quốc phòng tại địa phương.

- Thực hiện tốt công tác lập quy hoạch sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển trên địa bàn tỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; tổ chức quản lý, theo dõi, giám sát việc khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường theo đúng quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt. Hàng năm, tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, nhằm tạo sự đồng bộ, thống nhất trong việc thực hiện quy hoạch

- Đẩy mạnh công tác phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, giảm thiểu tổn thất do thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng; tăng cường kiểm soát chặt chẽ các hoạt động xả thải ra môi trường biển; đẩy nhanh tiến độ xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể về hoạt động điều tra, đánh giá tình trạng ô nhiễm, xác định vùng biển bị ô nhiễm, sạt lỡ, xói mòn và nguyên nhân gây ra ô nhiễm nhằm đưa ra các biện pháp xử lý kịp thời, giảm nhẹ những tác động bất lợi đến chất lượng môi trường, các nguồn lợi thủy hải sản;

- Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ vào công tác quản lý tổng hợp đới bờ; đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao năng lực quản lý tổng hợp đới bờ, tài nguyên môi trường biển; khuyến khích và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học nghiên cứu về quản lý tổng hợp đới bờ. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tăng cường trao đổi khoa học với các nước trong khu vực và quốc tế để học hỏi kinh nghiệm, kiến thức và huy động sự hỗ trợ về nguồn lực phục vụ quản lý tổng hợp đới bờ.

- Tập trung huy động các nguồn vốn từ Trung ương và các tổ chức quốc tế vào các lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, ưu tiên đầu tư vào các chương trình, dự án liên quan đến quản lý tổng hợp đới bờ; xây dựng cơ chế khuyến khích đầu tư nhằm đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư, trong đó chú trọng đến hình thức tái đầu tư từ các nguồn thu thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường.

III/ Tổ chức thực hiện

1/ Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh tăng cường lãnh đạo Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chỉ thị của Ban Thường vụ tỉnh ủy.

2/ Ban Cán sự Ðảng Ủy ban nhân dân tỉnh, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc có biển căn cứ Chỉ thị của Ban Thường vụ tỉnh ủy và tình hình thực tiễn tại địa phương chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp, các sở, ngành chức năng xây dựng kế hoạch cụ thể để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác quản lý tổng hợp đới bờ, tài nguyên môi trường biển

3/ Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội phối hợp với ngành chức năng, các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân tự giác chấp hành pháp luật; đồng thời tham gia giám sát, phản biện việc triển khai công tác quản lý tổng hợp đới bờ, tài nguyên môi trường biển trên địa bàn tỉnh.

4/ Ban Tuyên giáo tỉnh ủy chỉ đạo, quán triệt, định hướng các cơ quan truyền thông tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác quản lý tổng hợp đới bờ, tài nguyên môi trường biển để người dân biết và thực hiện.

5/ Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân tỉnh và các đơn vị có liên quan theo dõi, kiểm tra, giám sát và đôn đốc việc triển khai thực hiện Chỉ thị. Định kỳ hàng năm Ban cán sự đảng Ủy ban nhân tỉnh báo cáo kết quả thực hiện cho Ban Thường vụ tỉnh ủy để theo dõi, chỉ đạo.

Chỉ thị này được quán triệt đến chi bộ và phổ biến, tuyên truyền rộng rãi trong quần chúng nhân dân.