Triển khai sản xuất vụ đông-xuân 2016-2017 tại các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên

(NTO) Ngày 13-10, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết sản xuất nông nghiệp năm 2016 và triển khai sản xuất vụ đông-xuân 2016-2017. Đồng chí Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT và đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì hội nghị.

 
Đồng chí Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT và đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì hội nghị.

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, tổng hợp sản xuất 3 vụ lúa khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trong năm 2016 là 741.422ha, giảm 15.694ha so với năm 2015, năng suất ước đạt 56,2 tạ/ha, sản lượng ước đạt 4.164 ngàn tấn. Theo đánh giá chung, nhờ chỉ đạo tốt công tác chống hạn, phòng trừ tốt các loại dịch hại, nên cây trồng phát triển tốt và cho năng suất cao trong vụ hè-thu và vụ mùa, đã bù đắp thiếu hụt sản lượng vụ đông-xuân do nắng hạn. Các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa cho năng suất, hiệu quả cao.

 
Đồng chí Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu tại hội nghị.
 
 
Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, Bộ NN&PTNT khuyến cáo các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên bố trí thời vụ xuống giống đông-xuân đại trà tập trung từ ngày 10-12 đến 31-12-2016, thu hoạch trước 30-4-2017 đối với diện tích chủ động nước; những diện tích không chủ động nước cần gieo sớm hơn lúa đại trà chính vụ. Đẩy mạnh sử dụng giống ngắn ngày cho năng suất, chất lượng khá, chống đổ ngã, chống chịu khô hạn tốt. Đồng thời, chọn giống chất lượng cao, mở rộng sản xuất đối với cây rau màu.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đánh giá cao nỗ lực của ngành Nông nghiệp các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, ổn định sản xuất, tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian qua. Theo dự báo năm 2017, tình hình nước phục vụ sản xuất có ổn định hơn, tuy nhiên thời tiết có phần cực đoan hơn, đồng chí đề nghị các địa phương cần theo chỉ đạo chung của ngành Nông nghiệp, đồng thời có điều chỉnh kịp thời theo tình hình thời tiết, gắn với vấn đề thời vụ của từng tiểu vùng canh tác cụ thể. Trước mắt và lâu dài phải tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng chống hạn, gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chống hạn, tăng cường kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật, quan tâm đến ngập lụt đầu mùa và hạn cuối mùa, đảm bảo các công trình hạ tầng, tài sản của người dân.