Vấn đề hệ trọng, cơ bản và cấp bách
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta, chế độ ta.
Tại các Đại hội VIII, IX, X và XI, Đảng ta đã nhấn mạnh sự cần thiết phải ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng, với quyết tâm chính trị rất cao của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, chúng ta đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Tuy nhiên, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tình trạng suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, có mặt còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, có thể gây ra những hậu quả khôn lường.
Toàn cảnh khai mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII tại Trụ sở Trung ương Đảng sáng 9/10.
Ảnh: Trí Dũng –TTXVN
Đại hội XII của Đảng đã đề ra 10 nhiệm vụ cơ bản để xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh; trong đó khẳng định tiếp tục kiên trì, kiên quyết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng. Đề án Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng được BCH TƯ Đảng xây dựng theo chương trình làm việc toàn khóa triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Đề án nêu rõ: Đảng ta đã thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, coi trọng xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, công tác xây dựng Đảng còn bộc lộ nhiều hạn chế, khuyết điểm, trong đó có những khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm... trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các cấp không những chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, mà có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp, nghiêm trọng hơn.
Mặt khác, việc tổ chức thực hiện các nghị quyết của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra; tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị còn cồng kềnh, chồng chéo, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả; công tác cán bộ còn nhiều khuyết điểm, bất cập,...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị: Hội nghị lần này cần thảo luận, ra Nghị quyết về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ". Đây là vấn đề hệ trọng, vừa cơ bản, vừa cấp bách.
Tìm căn nguyên để có biện pháp chữa trị
Trên cơ sở kế thừa các nghị quyết của Trung ương trước đây, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Trung ương đã nghiên cứu bổ sung, làm rõ những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống , nội dung "Tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ với mức độ, nguyên nhân và tác hại.
Các đại biểu đã phân tích kỹ các nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống, về nội dung "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ Đảng, cũng như các giải pháp đột phá trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình hiện nay, bên cạnh một số vấn đề cơ bản như: Đổi mới phương thức lãnh đạo, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng, cơ chế vận hành, công tác cán bộ... và tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI).
Trước hết, thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nhằm nâng cao trình độ nhận thức chính trị, năng lực toàn diện, bản lĩnh vững vàng trước sự cám dỗ của cuộc sống vật chất tầm thường, giữ vững lập trường, quan điểm và Cương lĩnh, đường lối lãnh đạo của Đảng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên để họ không rơi vào tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Thứ hai, tăng cường giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng đối với mọi cán bộ, đảng viên, nhất là với những cán bộ lãnh đạo, quản lý. Cần kết hợp chặt chẽ giữa tăng cường giáo dục đạo đức trong Đảng và trong xã hội với tinh thần tự tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên. Tăng cường kỷ luật, pháp luật, sự công khai, minh bạch, dân chủ trong quy hoạch, đào tạo, đánh giá, bố trí và quản lý cán bộ; tạo môi trường xã hội, thể chế kinh tế lành mạnh, văn minh, khoa học, để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức không có điều kiện và không thể sa vào những tiêu cực, vi phạm đạo đức, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Cần tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đồng thời đẩy mạnh tự phê bình và phê bình trong Đảng.
Cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng góp phần quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên ở mọi lúc, mọi nơi; phát hiện và xử lý kịp thời những đảng viên vi phạm tư cách, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những phần tử cơ hội, bất mãn, gây mất đoàn kết nội bộ trong Đảng.
Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng phải được tiến hành đúng quy trình, toàn diện, nhằm quản lý chặt chẽ từng cán bộ, đảng viên; phát hiện và xử lý kịp thời những đảng viên vi phạm tư cách, thoái hóa biến chất về đạo đức, lối sống, những phần tử cơ hội, bất mãn, gây mất đoàn kết nội bộ trong Đảng, lợi ích nhóm, vi phạm các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng. Cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong tiến hành các hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng.
Nguồn www.baotintuc.vn