(NTO) Những năm qua, từ phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã ngày càng xuất hiện nhiều gương điển hình với những cách làm hay, hiệu quả và hơn thế nữa đó là những triệu phú, tỷ phú "chân đất" này đã hỗ trợ, tác động… bằng nhiều hình thức đã góp phần thúc đẩy không ít nông hộ làm theo tự xóa được đói, giảm được nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong số những nông dân điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi của tỉnh, ông Tu Thanh Hường (thôn Sơn Hải 1, xã Phước Dinh, Thuận Nam) là một trong những nhân tố tích cực đó. Dù đã rất quen thuộc với hình ảnh nông dân Tu Thanh Hường qua những lời kể, những bài viết trên báo, nhưng khi được gặp ông Hường và tận mắt chứng kiến "cơ ngơi" của ông, chúng tôi mới phần nào thấu hiểu được con đường vượt khó khởi nghiệp và trở thành tỷ phú của ông.
Có thể nói, ít ai ngờ rằng tỷ phú Tu Thanh Hường đã phải trải qua những thăng trầm tưởng chừng không thể vượt qua cả trong công việc và cuộc sống. Ông từng làm đủ nghề từ thợ hớt tóc, làm bánh ngọt, chế biến nước mắm, đến chăn nuôi dê, cừu... để vừa phụng dưỡng cha mẹ già vừa lo cho cuộc sống gia đình. Theo ông, trên bước đường làm ăn, nghề nào bên cạnh thuận lợi cũng có không ít khó khăn, nhiều lúc thành công và cũng không ít lần thất bại, dẫn đến nợ nần chồng chất, nhưng bằng nỗ lực của bản thân cùng với ý chí vươn lên, đối diện với khó khăn, thử thách để đạt được thành công. Và có lẽ nuôi tôm là nghề đã gắn bó lâu nhất với ông đồng thời cũng đem đến cho ông "danh tiếng": tỷ phú "chân đất". Ông tâm sự: Cuối năm 2000, do người con trai đầu quá "đam mê" nghề nuôi tôm, ông quyết định bán đàn gia súc chuyển sang đầu tư nuôi tôm sú trên vùng đất cát ven biển thôn Từ Thiện để "thõa mãn" sự mê nghề của con mình. Ngay trong vụ nuôi đầu tiên với 1,5 ha, ông thu được 6,5 tấn tôm thịt bán giá 115 ngàn đồng/kg, doanh thu gần 750 triệu đồng. Từ khởi đầu thuận lợi, ông mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích đìa dần dần lên đến 7 ha. Đáng kể là "bước ngoặc" từ năm 2003, do tình hình dịch bệnh phát triển mạnh trên con tôm sú, làm ảnh hưởng nặng nề đến năng suất, thậm chí là thua lỗ. Trước thực tế đó, ông Hường là một trong số ít người nuôi quyết định chuyển sang đối tượng nuôi mới là con tôm thẻ chân trắng. Sự lựa chọn có phần "táo bạo" này đã giúp kinh tế gia đình ông phát triển vượt bậc với thu nhập “ròng” hàng năm không dưới 2 tỷ đồng.
Nông dân Tu Thanh Hường.
Ông Tu Thanh Hường, chia sẻ về "bí quyết" làm giàu: Nghề nuôi tôm mặc dù đem lại hiệu quả kinh tế cao nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Để nghề nuôi tôm của gia đình phát triển bền vững, hiệu quả cao, ông luôn tìm tòi, học hỏi, sáng tạo, nghiên cứu sâu các mô hình nuôi tôm thành công và các quy trình cải tiến kỹ thuật. Áp dụng các tiến bộ của khoa học-kỹ thuật vào sản xuất như nuôi theo "công nghệ sinh học", tham gia vào chương trình "VietGAP". Chia sẻ thêm với chúng tôi về thành công của nghề nuôi tôm, ông cho rằng trong quá trình nuôi cần phải có kỹ thuật xử lý nước tốt, cố gắng nuôi theo hướng công nghệ sinh học (sử dụng vi sinh nhiều hơn các loại kháng sinh, hóa chất) và lựa chọn kỹ lưỡng nguồn giống. Đồng thời, ông cũng đề nghị nhà nước cần giảm bớt lãi suất cho vay để có thể giúp người dân mạnh dạn hơn trong việc đầu tư mở rộng sản xuất.
Được biết, hằng năm nghề nuôi tôm của gia đình ông đã tạo công ăn việc làm ổn định từ 13-20 lao động, ngoài lo ăn ở hàng ngày tại đìa, ông trả lương cho lao động 4-6 triệu đồng/người/tháng và tạo thêm việc làm cho 30-50 công lao động thời vụ. Sau mỗi kỳ thu hoạch tôm và vào dịp tết, ông đều có chế độ thưởng tăng thêm thu nhập cho người lao động. Không chỉ có vậy, ông còn quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ cho cho những người nghèo ở địa phương bằng phương châm sống: "Mình vì mọi người thì tất thảy mọi người vì mình" mà thôi!. Từ giúp đỡ, chia sẻ của ông mà một số hộ trước đây nhà ở tạm bợ, dột nát thì nay đã có nhà ở khang trang, cuộc sống được ổn định hơn trước. Ngoài ra, hàng năm ông đều tích cực tham gia, ủng hộ các loại quỹ ở địa phương như: Quỹ đền ơn đáp nghĩa, Quỹ vì người nghèo, Quỹ Người cao tuổi, Mái ấm tình thương,... và một số đóng góp khác cho địa phương.
Bằng sức lao động và tinh thần tự lực vươn lên, nông dân Tu Thanh Hường xứng đáng là gương điển hình trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của tỉnh, và câu chuyện vượt khó của ông Hường là động lực để các hộ nông dân không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, xây dựng một cuộc sống mới từ đôi bàn tay và ý chí vươn lên làm giàu. Được biết, ngày 19-8-2016 vừa qua, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tặng danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2016" cho ông Tu Thanh Hường.
Nhân kỷ niệm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14-10), mong rằng thời gian đến, tỉnh ta sẽ có thêm những gương điển hình nông dân sản xuất giỏi như ông, là tấm gương sáng giúp nông dân trong tỉnh đổi mới suy nghĩ, cách làm, xây dựng nhiều mô hình hiệu quả, sáng tạo trong vận dụng những tiến bộ mới vào sản xuất góp phần làm giàu cho bản thân, cho gia đình và góp phần xây dựng quê hương.
Mai Dũng