Vừa XKLĐ tại Hàn Quốc trở về địa phương, anh Đàng Quang Thọ, xã Phước Hữu, đã tích lũy được một số vốn lớn để đầu tư sản xuất nông nghiệp và hỗ trợ cho gia đình. Anh Thọ cho biết: Cách đây 5 năm, gia đình anh còn nhiều khó khăn, nên đã mạnh dạn đăng ký XKLĐ tại Hàn Quốc. Sau khi trúng tuyển được chủ sử dụng LĐ tại nước bạn quan tâm, hỗ trợ, hướng dẫn rất nhiều trong công việc và cuộc sống tại Hàn Quốc. Bình quân thu nhập tại nước bạn là 1.200 USD/tháng, ngoài ra còn có chế độ tiền thưởng nếu đạt năng suất và doanh thu tốt. Hàng tháng trừ hết chi phí sinh hoạt, anh gửi về cho gia đình trên 15 triệu đồng. Đến nay, nhờ đi XKLĐ, anh Thọ có vốn đầu tư mua trâu, bò và sản xuất nông nghiệp cho thu nhập ổn định.
Công tác tư vấn xuất khẩu lao động.
Tương tự, gia đình ông Thuận Hoa, xã Phước Thái, cũng có kinh tế khá giả tại địa phương nhờ có con XKLĐ. Ông Hoa chia sẻ: Con trai ông là Thuận Ngọc Cường XKLĐ tại Hàn Quốc được 5 năm và sau khi trở về nước lại tiếp tục đăng ký XKLĐ tại Hàn Quốc lần 2, mỗi tháng gửi về cho gia đình gần 20 triệu đồng. Qua 5 năm, từ số tiền hàng tỷ đồng do con XKLĐ gửi về, ông đã đầu tư mua máy cày, máy gặt và phát triển chăn nuôi bò. Hiện con trai thứ hai của ông Hoa là Thuận Ngọc Sự đang tiếp tục đăng ký XKLĐ tại Hàn Quốc. “Nếu ở nhà làm nông thì thu nhập sẽ bấp bênh, không ổn định, nhờ XKLĐ, gia đình mới có số tiền lớn như vậy để đầu tư cho sản xuất và có kinh tế ổn định”-ông Hoa chia sẻ.
Đồng chí Bạch Văn Nguyên, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Hoạt đông XKLĐ trong thời gian qua trên địa bàn huyện đã có tác động tích cực đến công tác chuyển dịch cơ cấu LĐ, tạo động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới và giúp cho nhiều LĐ tại địa phương có việc làm, tăng thu nhập và nâng cao trình độ, là giải pháp hữu hiệu để xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của huyện.
Ninh Phước là huyện thuần nông, có lực lượng LĐ trong độ tuổi đông, với 77.937 người. Các cấp ủy đảng, chính quyền xác định công tác XKLĐ là giải pháp hữu hiệu để giải quyết việc làm và nâng cao đời sống của Nhân dân, tuy nhiên hoạt động XKLĐ tại địa phương cũng gặp không ít khó khăn, trở ngại. Trong giai đoạn 2011-2015, toàn huyện có 39 người XKLĐ, đạt 52% kế hoạch giao. Trong năm 2016, chỉ tiêu giao cho huyện đưa 20 người XKLĐ nhưng đến thời điểm hiện nay mới có 5 người XKLĐ, đạt 25% chỉ tiêu. Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay đó là nhận thức của người LĐ về hoạt động XKLĐ còn thấp. Huyện đã tổ chức tư vấn tại 9/9 xã, thị trấn nhưng một số địa phương không tập trung đủ LĐ để tư vấn, nhiều LĐ chưa thực sự quan tâm, còn e ngại và không muốn đi xa…
Từ nay đến cuối năm, huyện Ninh Phước phấn đấu đưa 15 người đi XKLĐ. Để thực hiện mục tiêu trên, theo đồng chí Bạch Văn Nguyên, bên cạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người LĐ bằng những hình ảnh người thật, việc thật đã tham gia XKLĐ có thu nhập cao để tuyên truyền, huyện sẽ tăng cường công tác tư vấn, đối thoại với thanh niên, nhất là thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương; tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp có chức năng XKLĐ, đồng thời phân công cụ thể cho từng ngành, xã, thị trấn, các đoàn thể đảm nhiệm các chỉ tiêu, kế hoạch đã giao về XKLĐ, chú trọng đến các đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số, thanh niên thuộc hộ nghèo, bộ đội xuất ngũ và các đối tượng chính sách khác để tạo thu nhập, tích lũy vốn và xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Thế Quang