Nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh trong mùa mưa

(NTO) Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 541 ca sốt xuất huyết (SXH), 296 ca tay chân miệng (TCM). Theo Bác sĩ Nguyễn Nhị Linh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, mặc dù bệnh SXH và TCM vẫn đang được kiểm soát tốt, tuy nhiên hiện đang bước vào mùa mưa nên rất có thể bệnh sẽ gia tăng. Riêng đối với các bệnh liên quan đường hô hấp đã tăng cao trong thời gian gần đây. Qua ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trong tháng 9, bệnh viện đã tiếp nhận 339 ca viêm đường hô hấp cấp, cảm cúm, viêm phổi, tăng gần 100 ca so với tháng 8, chủ yếu là trẻ em. Công tác giám sát tình hình dịch bệnh được Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trong ngành triển khai thực hiện thường xuyên, chặt chẽ.

 
Ngành Y tế kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh SXH tại cộng đồng.

Nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh trong mùa mưa năm nay, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và Trung tâm y tế các huyện, thành phố, trạm y tế các xã, phường tăng cường giám sát nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp mắc bệnh, không để lây lan thành dịch, đặc biệt đối với bệnh SXH, chú trọng các ổ dịch cũ, các khu vực có mật độ muỗi, lăng quăng cao. Bên cạnh đó, ngành Y tế phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông báo cụ thể cho người dân về tình hình, cách phát hiện dịch bệnh và các biện pháp dự phòng tại cộng đồng. Các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị tốt các điều kiện nhân lực, vật lực để thu dung, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh. Sở Y tế đã kiến nghị UBND tỉnh cấp kinh phí mua 300 lít hóa chất diệt côn trùng, bảo đảm nguồn hóa chất để xử lý khi xảy ra dịch bệnh SXH trong mùa mưa năm nay. Thời tiết chuyển mùa cũng là điều kiện cho các loại dịch cúm như: cúm A/H1N1, H5N1, H7N9 phát triển. Sở Y tế cũng đã chỉ đạo cho đơn vị y tế dự phòng các tuyến tích cực phối hợp với cơ quan thú y các địa phương để cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh trên gia cầm, trên cơ sở đó kiểm tra, giám sát sức khỏe những người tiếp xúc với mầm bệnh để phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp mắc bệnh, không để lây lan ra cộng đồng…

Bác sĩ Nguyễn Nhị Linh cho biết: Bên cạnh các hoạt động của ngành Y tế, để phòng chống dịch bệnh hiệu quả, quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân, cần thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh khu vực sinh sống sạch sẽ; giữ gìn vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng để tránh lây bệnh, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình. Cần rèn luyện cơ thể, bổ sung các loại khoáng chất, vitamin để tăng cường sức đề kháng, đặc biệt luôn giữ ấm cơ thể để phòng các bệnh đường hô hấp, nhất là đối với trẻ em. Khi phát hiện có dấu hiệu của bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn, khám, điều trị.