Tập trung thực hiện các giải pháp khơi thông nguồn lực đất đai

Nhằm thực hiện đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để khơi thông nguồn lực đất đai, tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển; ngày 19/6/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2694/KH-UBND phân công nhiệm vụ cho các sở, ngành, địa phương để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp khơi thông nguồn lực đất đai theo Nghị quyết số 28-NQ/TU ngày 7/12/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV và Nghị quyết số 159-NQ/BCSĐ ngày 20/2/2024 của Ban cán sự đảng UBND tỉnh.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong tập trung chỉ đạo, điều hành công tác quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương, kế hoạch của UBND tỉnh đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện. Trong đó, trọng tâm là khẩn trương xây dựng, hoàn thiện chính sách thuộc thẩm quyền của địa phương, đưa đất đai thành nguồn lực phát triển của tỉnh. Triển khai thi hành Luật Đất đai kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả. Để nâng cao chất lượng công tác lập, công khai, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (SDĐ) đảm bảo tính thống nhất giữa quy hoạch, kế hoạch SDĐ với quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng và quy hoạch ngành, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) bám sát Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1319/QĐ-TTg ngày 10/11/2023 để chủ trì phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan khẩn trương rà soát, điều chỉnh quy hoạch SDĐ cấp huyện đến năm 2030 và các quy hoạch khác có liên quan theo quy định. Trong đó, phải đảm bảo tính thống nhất giữa quy hoạch SDĐ với quy hoạch xây dựng và các quy hoạch ngành; đồng thời, chú trọng việc quy hoạch các khu dân cư, khu đô thị để kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư thực hiện nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất.

Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ, phường Mỹ Bình (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm). Ảnh: Văn Nỷ

Quản lý chặt chẽ các loại đất, nhất là đất công ích, đất chưa sử dụng, đất đưa ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng, đất nông lâm trường quản lý, đất giao cho các tổ chức sử dụng,... theo quy hoạch, kế hoạch SDĐ, chỉ tiêu phân khai đã được phê duyệt, cập nhật đầy đủ, kịp thời số liệu vào cơ sở dữ liệu đáp ứng yêu cầu quản lý, sử dụng. Triển khai lập kế hoạch SDĐ hằng năm cấp huyện theo đúng thời gian quy định. Ngoài ra, để nâng cao tính khả thi của kế hoạch SDĐ hằng năm cấp huyện, cần nghiên cứu chỉ tiêu hoàn thành kế hoạch SDĐ hằng năm trong việc đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tập thể, cá nhân có liên quan. Tập trung nguồn lực cho công tác điều tra, đánh giá tài nguyên đất; thống kê, kiểm kê đất đai; giám sát SDĐ; bảo vệ, cải tạo và phục hồi chất lượng đất nhằm quản lý chặt chẽ về số lượng, chất lượng đất phục vụ cho lập quy hoạch, kế hoạch SDĐ, làm cơ sở sử dụng đất bền vững. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch SDĐ thống nhất từ tỉnh đến huyện.

Để tạo quỹ đất sạch và quản lý chặt chẽ quỹ đất công nhằm khai thác, thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) trên địa bàn tỉnh, các sở, ngành, địa phương cần hoàn thiện cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các Trung tâm Phát triển quỹ đất, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả, đủ năng lực tạo lập, quản lý, khai thác quỹ đất. Việc phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất phải theo quy hoạch, kế hoạch SDĐ đúng mục đích, công khai, minh bạch, hợp lý, hiệu quả và theo quy định của pháp luật; bảo đảm đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, hỗ trợ tái định cư, an sinh xã hội, bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số để thực hiện chính sách theo quy định Luật Đất đai năm 2024. Thống kê, kiểm kê đầy đủ quỹ đất công, tài sản công là nhà và xây dựng phương án khai thác hiệu quả quỹ đất công.

Trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cần xác định vùng phụ cận đối với các công trình, dự án hạ tầng kỹ thuật, xây dựng, chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn để thu hồi, đấu giá quyền SDĐ thực hiện dự án nhà ở, thương mại, dịch vụ, sản xuất, kinh doanh. Cần có cơ chế về vốn để Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, Trung tâm Phát triển quỹ đất cấp huyện thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để có quỹ đất sạch trước khi thực hiện dự án đầu tư, khai thác, phát triển quỹ đất. Thực hiện việc tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư để thực hiện trước. Thực hiện đấu giá quyền SDĐ và đấu thầu dự án có SDĐ góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước và đảm bảo công bằng cho các đối tượng có liên quan.

Cùng với đó cần nâng cao hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án quốc phòng, an ninh, phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng. Trong đó, cần quy định cụ thể chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Thực hiện có hiệu quả việc đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống cho người có đất bị thu hồi. Quản lý chặt công tác giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích SDĐ. Tập trung chỉ đạo, thực hiện xây dựng, thẩm định và phê duyệt giá đất cụ thể trên địa bàn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 6/5/2023 và theo ủy quyền của UBND tỉnh tại Quyết định số 314/QĐ-UBND ngày 16/6/2023; không gây khó khăn, chậm trễ, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án đầu tư để khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển KT-XH; đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân - doanh nghiệp - Nhà nước khi thu hồi đất thực hiện dự án.

Về công tác phát triển nguồn thu ngân sách từ đất đai, các sở, ngành, địa phương cần tăng cường các biện pháp phát triển nguồn thu ngân sách từ đất đai năm 2024 trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các biện pháp thu tiền SDĐ theo Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 6/1/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường các biện pháp quản lý thu ngân sách năm 2024 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đảm bảo thu đạt và vượt kế hoạch thu tiền SDĐ năm 2024 đề ra. Đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, xử lý nhà, đất, tài sản công theo quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017, Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ, hoàn thiện các thủ tục bán đấu giá các cơ sở nhà, đất để tạo quỹ đất đầu tư xây dựng, phát triển công trình công cộng, chỉnh trang đô thị, mang lại hiệu quả KT-XH, tạo nguồn thu cho ngân sách tỉnh. Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương cần đẩy mạnh phát triển thị trường bất động sản, thị trường quyền SDĐ; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai; tăng cường chuyển mục đích SDĐ theo đúng quy định của pháp luật và đúng tiến độ, hoàn thành 100% chỉ tiêu đăng ký đất đai theo Nghị quyết số 21/NQ-TU ngày 25/1/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV.

Trong quá trình thực hiện, trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị kịp thời báo cáo về Sở TN&MT để tham mưu, đề xuất giải quyết kịp thời, đúng quy định. Định kỳ ngày 25 hằng tháng rà soát, báo cáo kết quả thực hiện gửi về UBND tỉnh (thông qua Sở TN&MT). Chậm nhất vào ngày thứ Năm của tháng tiếp theo, Sở TN&MT chịu trách nhiệm kiểm tra, tổng hợp báo cáo đề xuất công việc cho UBND tỉnh xem xét, giải quyết.