Huyện Thuận Nam hiện có 21.072 người DTTS, chiếm khoảng 29% dân số, chủ yếu là dân tộc Chăm, Raglai, Hoa và Mường, sống tập trung chủ yếu tại 3 xã: Phước Nam, Phước Ninh và Phước Hà. Giai đoạn 2019-2024, từ các chương trình, dự án của Nhà nước, huyện tiếp nhận và đầu tư khoảng 360 tỷ đồng để xây dựng 33 công trình cơ sở hạ tầng, đào tạo nghề cho 2.025 lao động, tư vấn tạo việc làm cho hơn 11.000 lao động, hỗ trợ 4.582 hộ đồng bào DTTS vay vốn phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất, giải quyết việc làm, xây dựng nhà ở, các công trình phụ trợ.
Đồng chí Nguyễn Long Biên, UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu dự Đại hội.
Đồng thời, triển khai thực hiện các chính sách chăm lo giáo dục, chăm sóc sức khoẻ Nhân dân, bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá của đồng bào DTTS… Nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận người dân vùng DTTS được nâng lên, bộ mặt nông thôn mới ngày càng khang trang. Tính đến nay, toàn huyện có 2/3 xã là xã vùng DTTS đạt chuẩn nông thôn mới. Đến cuối năm 2023, số hộ nghèo là người đồng bào DTTS trên địa bàn huyện là 521 hộ.
Đồng chí Nguyễn Long Biên, UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tặng hoa chúc mừng Đại hội.
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, đồng chí Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao sự quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể của địa phương, đặc biệt là sự đoàn kết, hưởng ứng, phát huy nội lực của đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện Thuận Nam.
Đồng chí Nguyễn Long Biên, UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại Đại hội.
Trong thời gian tới, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cấp uỷ, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể huyện tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và đại đoàn kết dân tộc; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vai trò, vị trí của công tác dân tộc, tầm quan trọng của vùng đồng bào các DTTS đối với sự phát triển toàn diện của huyện nói riêng và tỉnh Ninh Thuận nói chung; bám sát các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh để cụ thể hóa thành chương trình hành động sát với điều kiện thực tiễn của từng vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện. Đồng thời chủ động tận dụng hiệu quả nguồn lực và các nội dung chính sách hỗ trợ thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021-2030 cho mục tiêu phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS của huyện; đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, thông tin liên lạc, các công trình phục vụ nâng cao dân trí; tăng cường công tác đào tạo nghề gắn với giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động, tạo việc làm mới cho đồng bào các DTTS, chú trọng bảo tồn, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp.
Ngọc Diệp