Bà Pupur Thị Phốn, Phó trưởng Ban Vận động mô hình Tộc họ tự quản xã Phước Thành, cho biết: Toàn xã hiện có 13 Tộc họ tự quản. Để mô hình phát huy hiệu quả, các tộc họ đều lựa chọn người đứng đầu uy tín, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc và xây dựng quy ước tộc họ. Thành thông lệ, cứ 6 tháng, các tộc họ sẽ tổ chức họp đánh giá tình hình ANTT để kịp thời nắm bắt tình hình, qua đó có hình thức xử lý, vận động phù hợp với những trường hợp vi phạm.
Mô hình tự quản "Ánh sáng nông thôn mới" được người dân tham gia hưởng ứng tích cực.
Từ việc thực hiện Quy ước tộc họ, đã phát huy được trách nhiệm của mỗi gia đình trong việc giáo dục con cháu thực hiện nghiêm túc, cùng nhau xóa đói, giảm nghèo, nhất là đảm bảo tình hình ANTT địa phương. Đơn cử như tộc họ Pupur được thành lập năm 2013, với 42 thành viên của 18 hộ. Trước đây, một số gia đình có con em thường hay uống rượu say tụ tập làm mất ANTT, thêm vào đó là tình trạng bỏ học diễn ra phổ biến. Để khắc phục tình trạng trên, với tinh thần tự hòa giải, tự dàn xếp ngay từ trong gia đình, có sự tham dự của người có uy tín trong tộc họ, những vụ việc phát sinh đều được giải quyết ổn thỏa. Ông Pupur Sâm, Trưởng tộc họ Pupur, cho biết: Nếu phát hiện những trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật, quy ước trong tộc họ thì đại diện tộc họ sẽ tổ chức họp với hộ gia đình vi phạm để răn đe, chấn chỉnh kịp thời. Nhờ đó, trong tộc họ không còn tình trạng uống rượu say gây rối, cờ bạc, bạo lực gia đình. Mặt khác, để giúp nhau phát triển kinh tế, tộc họ còn duy trì mô hình vần đổi công, giúp vốn, hỗ trợ phương tiện sản xuất… Nhiều gia đình đã có điều kiện làm ăn, vươn lên khá giả, nuôi con ăn học đàng hoàng, trong tộc họ không còn tình trạng học sinh bỏ học. Nếu như trước đây trong tộc họ có 13 hộ trung bình, 5 hộ nghèo, thì đến nay trong tổng số 18 hộ của tộc họ đã có 6 hộ khá, 12 hộ trung bình.
Từ mô hình Tộc họ tự quản, bà con luôn nêu cao ý thức tự giác, tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động. Điển hình như việc thực hiện mô hình "Ánh sáng nông thôn mới". Bằng nguồn kinh phí vận động từ người dân và nguồn xã hội hóa mà dọc các tuyến đường chính trong thôn, đã lắp đặt 62 bóng đèn chiếu sáng, tạo thuận lợi cho việc sinh hoạt, đi lại của người dân. Ông Nguyễn Cảnh Tài, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thành, cho biết: Mô hình "Ánh sáng nông thôn mới" chính thức đi vào hoạt động từ năm 2014. Theo đó, các bóng đèn được bắt từ đường dây điện nhà dân ra mặt đường đã góp phần giữ gìn ANTT, giảm thiểu tệ nạn xã hội và tai nạn giao thông vào ban đêm tại địa phương.
Có thể thấy, qua thực hiện mô hình Tộc họ tự quản, không những Phước Thành ngăn ngừa được các loại tội phạm, mà còn góp phần động viên con cháu trong tộc họ thi đua học tập, lao động, tránh xa các loại tệ nạn xã hội, nâng cao hiểu biết về chính sách, pháp luật của Nhà nước, giúp nhau phát triển kinh tế. Bà Pupur Thị Phốn cho biết thêm: Trong thời gian tới, các Tộc họ tự quản sẽ tiếp tục phối hợp với Tổ an ninh thôn và Công an xã tăng cường công tác giữ vững ANTT tại địa phương, tuyên truyền trong các tộc họ không để tình trạng tảo hôn và sinh con thứ 3 xảy ra, giúp nhau giảm nghèo bền vững...
Kim Thùy