Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố: Nơi ươm mầm tạo giống nho mới

(NTO) Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố là đơn vị nghiên cứu khoa học đóng trên địa bàn tỉnh, chuyên nghiên cứu các đối tượng cây trồng. Những năm qua, Viện đã không ngừng nghiên cứu và chọn tạo ra các giống nho mới, với mục tiêu đưa các giống nho mới vào cơ cấu cây trồng của tỉnh, nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

Trong những năm 90 của thế kỷ trước, giống nho chủ lực của Ninh Thuận chỉ có nho đỏ Red Cardinal và một ít diện tích trồng giống nho Black Queen, Syrah. Tuy nhiên, giống nho Red Cadinal có nhiều nhược điểm như: Quả nhỏ, vỏ mỏng dễ bị nứt, năng suất không cao, hiệu quả sản xuất thấp và không phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Ông Phan Công Kiên, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố, cho biết: Từ thực tế trên, Viện đã tập trung nghiên cứu chọn tạo giống nho và chuyển giao các giống nho mới năng suất cao, phẩm chất tốt, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, thích hợp với điều kiện sinh thái, khí hậu của Ninh Thuận. Từ năm 1994, các giống nho bắt đầu được quan tâm, với mục tiêu tìm ra giống nho mới nhằm thay thế một phần giống nho Red Cadinal và làm phong phú cơ cấu cây trồng của tỉnh. Từ đó, Vườn tập đoàn giống nho của Viện được thành lập và lưu giữ 21 mẫu giống nho (6 mẫu giống nho ăn tươi, 11 mẫu giống nho rượu, 3 mẫu nho làm gốc ghép và 1 mẫu nho không hạt).

 
Tiềm năng phát triển của giống nho mới NH01-152.

Trải qua quá trình nghiên cứu, phát triển, từ năm 2002 đến nay, thông qua nhiều chương trình hợp tác, Viện đã tăng cường công tác thu thập, bảo quản, đánh giá, so sánh, đến nay số lượng mẫu giống nho được lưu giữ trên đồng ruộng tại Viện khoảng trên 130 mẫu giống. Nguồn gốc các giống chủ yếu nhập từ các nước Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ, Úc, Pháp, Thái Lan, Israel, Đài Loan, Đức, Italia và thu thập trong nước. Từ đó, chọn một số mẫu giống mới có nhiều tính trạng tốt để giới thiệu cho khảo nghiệm và chuyển giao. Kết quả, đã giới thiệu được một số giống nho mới có triển vọng trong sản xuất như: NH 01-152, NH 01-153, NH 01-138, đặc biệt là giống nho ăn tươi NH 01-152. Đây là giống nho ăn tươi chất lượng cao, rất ngọt, với độ đường lên đến 170 Brix, vỏ dày, ít hạt (từ 1-2 hạt/quả), khi chín quả hình bầu dục, màu đỏ tươi đẹp có mùi vị đặc trưng, mỗi vụ nho NH 01-152 khoảng 115-120 ngày (từ lúc cắt cành đến thu hoạch), tỷ lệ đậu quả cao, với năng suất 12-17 tấn/ha/vụ, chất lượng của giống nho NH 01-152 tương đương với một số nho ăn tươi nước ngoài đang có mặt tại thị trường Việt Nam. Đến nay, đã có trên 3ha giống nho mới NH 01-152 được trồng trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh công tác nghiên cứu giống, Viện cũng đặc biệt chú trọng công tác chuyển giao quy trình kỹ thuật canh tác thông qua các mô hình trình diễn giống nho mới, đặc biệt là đã chuyển giao quy trình sản xuất ứng dụng kỹ thuật gốc ghép, kỹ thuật bao chùm quả nho để nâng cao giá trị thương phẩm cho giống nho ăn tươi, hoàn thiện và chuyển giao quy trình phòng chống dịch hại tổng hợp cho cây nho theo hướng an toàn…

Theo quy hoạch của ngành Nông nghiệp, đến năm 2020, diện tích nho Ninh Thuận phát triển lên 2.200ha, sản lượng đạt 54.100 tấn, trong đó sẽ đẩy mạnh phát triển giống nho rượu lên 220ha, sản lượng đạt trên 5.000 tấn. “Để góp phần thực hiện mục tiêu trên, trong thời gian tới, Viện sẽ tăng cường công tác thu thập, lưu giữ, đánh giá nguồn quỹ gen cây nho, đẩy mạnh việc nghiên cứu và chọn tạo các giống nho mới, nho không hạt, mẫu mã quả đa dạng, năng suất cao, chất lượng tốt; nghiên cứu các giống nho sử dụng làm gốc ghép để bổ sung vào cơ cấu giống nho gốc ghép giới thiệu cho sản xuất; chuẩn bị thủ tục để công nhận 2 giống nho có triển vọng (giống nho ăn tươi NH 01-152 và giống nho dùng chế biến rượu NH 02-97); đồng thời, nghiên cứu các gói kỹ thuật canh tác cho cây nho để nâng cao giá trị thương mại và chất lượng theo tiêu chuẩn Viet GAP”-ông Phan Công Kiên cho biết thêm.