Theo thiết kế, dự án có quy mô công suất 90MW, tổng vốn đầu tư 3.965 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích đất khảo sát 851,3ha, thuộc địa bàn 2 xã Lợi Hải và Bắc Phong của huyện Thuận Bắc. Để đảm bảo dự án không bị gián đoạn và đạt hiệu quả cao, Công ty Cổ phần Điện gió Trung Nam đã nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng các chủ trương, chiến lược đầu tư; đồng thời, lập kế hoạch triển khai dự án thành 2 giai đoạn cụ thể. Giai đoạn 1, có vốn đầu tư khoảng 1.445 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào các hoạt động bồi thường, giải phóng mặt bằng và tiến hành xây dựng 17 tổ máy với tổng công suất 34MW; giai đoạn 2, có vốn đầu tư khoảng 2.335 tỷ đồng, tập trung hoàn thành 28 tổ máy còn lại, với tổng công suất 56MW (mỗi tổ 2MW).
Mô hình Nhà máy điện gió Trung Nam.
Ông Trần Đức Xuyên, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Điện gió Trung Nam, chia sẻ: Khi đến tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Ninh Thuận, chúng tôi thật sự hài lòng và bị thuyết phục bởi tiềm năng phát triển nguồn năng lượng điện gió ở đây. Không những vậy, các chính sách thu hút đầu tư cũng được tỉnh hết sức quan tâm, áp dụng ưu đãi ở mức cao nhất trong khung của Nhà nước đối với thuê đất, cấp đất và thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật Đất đai, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế xuất nhập khẩu. Chính vì vậy, công ty chúng tôi quyết định triển khai dự án với mong muốn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao uy tín cho công ty, mà còn đồng hành cùng tỉnh thực hiện có trách nhiệm chủ trương xây dựng Ninh Thuận trở thành vùng trọng điểm năng lượng sạch của cả nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Theo cam kết, đến năm 2018, Dự án Nhà máy Điện gió Trung Nam sẽ hoàn thành. Khi đưa vào vận hành thương mại sẽ được đấu nối với đường dây 110kV mạch kép từ TBA 110kV Nhà máy Điện gió Trung Nam đến thanh cái 110kV của TBA 220/110kV Tháp Chàm, nhằm bổ sung nguồn và liên kết hòa vào hệ thống lưới điện quốc gia để cung cấp điện cho phụ tải điện tỉnh Ninh Thuận và các tỉnh thuộc khu vực Nam Trung Bộ.
Được biết, ngoài 2 dự án là Nhà máy Điện gió Trung Nam của Công ty Cổ phần Điện gió Trung Nam và Nhà máy Điện gió Công Hải của Công ty Phát điện 2 đã khởi công, hiện trên địa bàn tỉnh ta còn có 7 dự án điện gió khác được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư, với tổng công suất 647MW, tổng vốn đầu tư khoảng 23.612 tỷ đồng; 5 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng công suất khoảng 331MW, tổng vốn đầu tư khoảng 11.418 tỷ đồng. Trong số các dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư kể trên, dự kiến trong năm nay sẽ có thêm 1 dự án nữa được khởi công là Dự án Điện gió Mũi Dinh của Công ty TNHH Điện gió Mũi Dinh. Đặc biệt, để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng dễ dàng tìm kiếm cơ hội đầu tư, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Ninh Thuận năm 2016, tỉnh đã lập danh mục 4 dự án trọng điểm thuộc lĩnh vực năng lượng (điện gió, điện mặt trời) để kêu gọi đầu tư trong giai đoạn 2016-2020. Thông qua sự kiện này, tỉnh mong muốn các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ tìm kiếm được cơ hội để triển khai thực hiện thành công dự án trên địa bàn tỉnh.
Theo ước tính, trong thời gian từ 10–20 năm tới, Việt Nam vẫn trong tình trạng thiếu điện. Vì vậy, việc phát triển các dự án điện gió càng trở nên quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết, và Dự án Nhà máy Điện gió Trung Nam tổ chức khởi công là dấu ấn như vậy, cho thấy tiềm năng điện gió của Việt Nam nói chung và Ninh Thuận nói riêng đang được các nhà đầu tư quan tâm khai thác hiệu quả. Đây vừa là trách nhiệm của Ninh Thuận, vừa là cơ hội lớn của cộng đồng doanh nghiệp trong việc góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong những năm tới.
Văn Thanh