(NTO) Trong 6 tháng đầu năm 2016, mặc dù tỉnh ta đã “dồn sức” rất nhiều cho ngành Công nghiệp (CN), nhưng trước những khó khăn chung như tình hình kinh tế thế giới và trong nước đang chịu sức ép lạm phát trở lại, đặc biệt, tình hình thời tiết nắng hạn kéo dài, thị trường tiêu thụ giảm, lượng hàng hóa tồn kho nhiều đã gây bất lợi cho hoạt động doanh nghiệp (DN). Do vậy, giá trị sản xuất của ngành tuy có tăng trưởng nhưng còn thấp, chỉ đạt 2.715,5 tỷ đồng, tăng 1,3% so với cùng kỳ và chỉ đạt gần 42% so với kế hoạch năm.
Công ty May Tiến Thuận hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả,
góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Kết quả giá trị sản xuất nêu trên cho thấy, ngành CN tỉnh ta trong quý II vẫn chưa được phục hồi rõ nét. Minh chứng cụ thể đó là chỉ số sản xuất CN (IIP) trong 6 tháng chỉ tăng 0,3% so với cùng kỳ (quý I-2016 tăng 2,16%). Nguyên nhân, do năng lực các sản phẩm mới trong năm 2015 và 2016 chưa phát huy năng suất; các sản phẩm chủ lực đóng góp tăng trưởng trong 3 năm trở lại đây, như: bia đóng lon, tôm đông lạnh đã phát huy hết công suất, nên chỉ số tăng trưởng không cao. Cụ thể, trong số 23 sản phẩm chủ yếu của ngành, có 17 sản phẩm tăng nhẹ, gồm: gạch không nung tăng 63,7%; nhân hạt điều tăng 39,8%; gạch nung tăng 16,7%; bao bì giấy tăng 14,9%; khăn bông các loại tăng 12%; nước uống tăng 11,4%; điện thương phẩm tăng 8,1%; tinh bột sắn tăng 6,6%; tôm đông lạnh tăng 3,5%; đường RS tăng 3,3%; bia đóng lon tăng gần 2%...
Diêm dân huyện Ninh Hải thu hoạch muối. Ảnh: Mai Dũng
Theo đánh giá của Sở Công Thương, chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu giá trị tăng thêm của ngành CN 6 tháng đầu năm là lĩnh vực chế biến, chế tạo với tỷ trọng 54,1%. Với chỉ số sản xuất tăng 5,78% so cùng kỳ, nhóm CN này đã đóng góp vào chỉ số sản xuất tăng chung của ngành 3,13%. Tiếp đến là lĩnh vực sản xuất và phân phối điện, chiếm tỷ trọng 26%; chỉ số sản xuất ước tăng 3,24%, trong đó phân phối điện tăng 8,14% so với cùng kỳ. Và sau cùng là lĩnh vực cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, tuy chỉ chiếm tỷ trọng 3,7% trong cơ cấu giá trị tăng thêm toàn ngành, nhưng giá trị sản xuất dự tính tăng 10,84%. Trong đó, hoạt động khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 11,4%; thu gom xử lý rác thải tăng 2,55% so với cùng kỳ.
Đồng chí Nguyễn Thanh Hoan, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Mặc dù từ đầu năm đến nay, các DN tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường để ổn định phát triển sản xuất. Tuy nhiên, CN tỉnh nhà vẫn chưa vượt qua giai đoạn khó khăn và chưa tạo được những bứt phá cần thiết để phát triển như mong muốn, trong đó có 6 sản phẩm giảm khá sâu. Đáng lưu ý là nhiều lĩnh vực CN chủ lực như CN khai khoáng cũng chỉ chiếm tỷ trọng 16,2% trong cơ cấu giá trị tăng thêm toàn ngành, do chỉ số sản xuất giảm đến 25,14% so cùng kỳ. Trong đó, ngành khai thác muối giảm 34%; khai thác đá xây dựng giảm 3,55%. Nếu tính chung thì ngành CN này đã tác động giảm khoảng 4,1% chỉ số chung toàn ngành.
Công ty TNHH MTV Mỹ Viên sản xuất gạch không nung.
Các nhóm sản phẩm có giá trị giảm so với cùng kỳ, gồm: đá xây dựng chỉ đạt 441.610m3, giảm 3,5% so cùng kỳ, nguyên nhân do một số công trình lớn trên địa bàn tỉnh hiện nay đã hoàn thành. Sản xuất muối, sản lượng 6 tháng đầu năm đạt 20.848,4 tấn, giảm 34% so cùng kỳ, nguyên nhân do giá muối giảm, đồng thời lượng tồn kho nhiều (hiện Công ty Cổ phần Muối Cà Ná tạm ngưng sản xuất và giảm 150 lao động). Muối chế biến, sản lượng đạt 45.040,6 tấn, giảm nhẹ so cùng kỳ 0,2%, nguyên nhân do thị trường tiêu thụ giảm. Quần áo may sẵn, sản lượng đạt 982.000 cái, giảm nhẹ so cùng kỳ 0,3%, nguyên nhân do một số DN gia công hoạt động cầm chừng hoặc không có đơn hàng nên ngừng sản xuất. Riêng Công ty TNHH May Tiến Thuận, hiện nay doanh nghiệp đang thực hiện đơn hàng của khách hàng tiềm năng Adidas với các tiêu chuẩn, kỹ thuật khắc khe; đồng thời, áp dụng quy định không cho công nhân tăng ca, giãn ca kéo dài thời gian trong ngày và bố trí thời gian nghỉ phép trong năm cho công nhân, nên sản lượng giảm so cùng kỳ.
Công nhân Công ty CP Mía đường Phan Rang vào ca sản xuất. Ảnh: Văn Miên
Những con số nêu trên cho thấy, lần đầu tiên sau nhiều năm tốc độ tăng trưởng CN lại đạt thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước. Tuy có tới 2/3 sản phẩm đạt tăng trưởng, nhưng nếu nhìn một cách tổng thể cho thấy, CN nội tỉnh vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường, nhất là trước sự tăng trưởng không đồng đều của các nhóm sản phẩm, nên có thể nói chưa tạo được điểm nhấn mang tính “đòn bẩy” cho những tháng cuối năm. Trước thực tế này, vấn đề đặt ra là liệu từ nay đến cuối năm, ngành CN nội tỉnh có hoàn thành các chỉ tiêu: Tổng giá trị sản xuất đạt 6.470 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng khoảng 18-19%, nhằm đưa chỉ số sản xuất CN (IIP) tăng 16% so với cùng kỳ như kế hoạch đã đề ra. Đây là áp lực lớn đặt ra cho ngành, đòi hỏi phải có những giải pháp “bứt phá” trong việc cụ thể hóa định hướng chỉ đạo chung của tỉnh và phải với quyết tâm cao nhất không chỉ của ngành Công Thương mà đòi hỏi cả những ngành liên quan cũng phải vào cuộc.
Văn Thanh