“Tiếp sức” doanh nghiệp phát triển

(NTO) Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong những tháng đầu năm, toàn tỉnh có 166 doanh nghiệp (DN) thành lập mới, với tổng vốn đăng ký trên 545 tỷ đồng, tăng 28% số DN và vốn đăng ký tăng 11% so với cùng kỳ; nâng tổng số toàn tỉnh đến nay lên trên 2.200 DN, với tổng vốn đăng ký trên 14.000 tỷ đồng. Tuy nhiên qua đánh giá, toàn tỉnh có trên 98% là DN vừa và nhỏ, đa số còn thiếu vốn sản xuất, năng lực cạnh tranh thấp… rất cần sự “tiếp sức” để tạo động lực cho DN phát triển, đóng góp chung vào nền kinh tế của tỉnh nhà.

 
Công ty TNHH May Tiến Thuận hoạt động hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Ảnh: TL

Nhận diện những khó khăn !

Qua con số thống kê cho thấy, trong tổng số 2.200 DN trên toàn tỉnh, hầu hết đều là DN vừa và nhỏ (có tổng nguồn vốn dưới 100 tỷ đồng; dưới 300 lao động). Trong đó được phân bố trên các lĩnh vực: Thương mại-dịch vụ chiếm 44,4%; nông lâm-thủy sản chiếm 22%; xây dựng chiếm 21,2% và công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp chiếm 12,4%. Hằng năm, các DN đóng góp 67% trên tổng thu ngân sách nội địa của tỉnh; giải quyết việc làm cho trên 23.000 lao động, chiếm 7,25% tổng số lao động trên toàn tỉnh, đóng góp một phần không nhỏ trong quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực nông nghiệp, nông thôn sang dịch vụ, công nghiệp... Tuy nhiên phải nhìn nhận rằng, DN ở tỉnh ta còn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong cạnh tranh cũng như mở rộng sản xuất. Trước tiên, đó là khó khăn về nguồn vốn. Hầu hết DN trong tỉnh muốn tồn tại và phát triển đều phải dựa vào nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng hoặc ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng để đầu tư cho sản xuất, kinh doanh còn hạn chế. Nhiều DN chưa chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh; dự án vay chưa thật hợp lý, không có tài sản bảo đảm hoặc tài sản chưa đủ khoản vay nên khả năng giải ngân vốn của các ngân hàng chưa cao... Khó khăn nữa, đó là nguồn nhân lực quản trị về DN chưa qua trường lớp đào tạo bài bản, kỹ năng về tiếp thị, mở rộng hợp tác, liên doanh, liên kết, quảng bá thương hiệu, sản phẩm còn hạn chế; chưa xây dựng được chiến lược sản xuất, kinh doanh dài hạn, hướng đến hội nhập quốc tế; công nhân chủ yếu là lao động phổ thông, rất ít qua trường lớp đào tạo tay nghề chuyên môn; do thiếu vốn nên quy trình sản xuất công nghệ chậm đổi mới, dẫn đến năng suất và chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng với yêu cầu thị trường, sức cạnh tranh thấp... ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của DN.

 
Người tiêu dùng tham quan, chọn mua sản phẩm tại Siêu thị Điện máy Xanh. Ảnh: BD

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Nước ta đang bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế nên ngày càng nhiều thách thức cạnh tranh. DN chính là lực lượng quyết định sự phát triển của nền kinh tế. Chính vì thế, nhận diện những khó khăn để đồng hành cùng DN, tạo đà cho DN phát triển luôn là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Đối với tỉnh ta, hằng năm, UBND tỉnh đều tổ chức họp mặt, đối thoại với DN, gắn với triển khai Chương trình kết nối Ngân hàng với DN và chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp linh hoạt để tháo gỡ, giải quyết các vướng mắc cho DN, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho DN phát triển. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, các Ngân hàng thương mại đã ký kết cho 14 DN vay, với số vốn 571,5 tỷ đồng, đã giải ngân 427,5 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 74,8% kế hoạch; cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 15 DN, với số tiền 5,77 tỷ đồng; xem xét miễn, giảm lãi vay cho 114 DN, với số lãi được miễn giảm 4,81 tỷ đồng...

 
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận canh tác theo quy trình VietGAP, nho Ba Mọi đã khẳng định được vị thế trên thị trường. Ảnh: Đ.N

Đặc biệt vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ DN nhỏ và vừa (DNNVV) giai đoạn 2016-2020, với mục tiêu hỗ trợ DNNVV trên cơ sở cụ thể hóa các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, nhằm thúc đẩy phát triển DN. Theo đó, UBND tỉnh đã đề ra các giải pháp trọng tâm như: Tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thông thoáng, bình đẳng và thuận lợi cho DN đầu tư, phát triển. Hỗ trợ DNNVV tiếp cận về tín dụng, khoa học-công nghệ nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh; khuyến khích DNNVV đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19-12-2013 của Chính phủ. Đẩy mạnh công tác trợ giúp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động kỹ thuật trong DN, góp phần thực hiện chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, đáp ứng nhu cầu của thị trường, yêu cầu mở rộng và phát triển của DN. Xây dựng các chương trình, dự án, đề án hỗ trợ DNNVV như: Dự án nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của DNNVV; Đề án xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Chương trình khuyến công, hỗ trợ xúc tiến thương mại hằng năm... Với các giải pháp nêu trên, trong 5 năm tới, toàn tỉnh phấn đấu số DN đăng ký thành lập mới khoảng 1.500-2.000 DN, tăng bình quân 13-15%/năm, nâng tổng số DN hoạt động đến năm 2020 khoảng 3.500-4.000 DN. Tỷ lệ thu ngân sách từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của khối DN vào năm 2020 chiếm khoảng 68-70% trên tổng thu nội địa. Tổng giá trị gia tăng của khu vực DN năm 2020 chiếm 28-30% GRDP của tỉnh; tạo thêm khoảng 15-20 nghìn việc làm mới, nâng tổng số lao động làm việc trong khối DN đến năm 2020 khoảng 35-40 nghìn lao động, chiếm khoảng 10% tổng số lao động trong toàn tỉnh...