Sau gần hai năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 59-CT/TU, ngày 7-10-2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XII) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, với sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, công tác thu hút đầu tư, đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực: Đã ban hành tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư và một số cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, nhất là đối với các ngành, lĩnh vực trụ cột của tỉnh; công tác đối thoại, giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp được quan tâm thực hiện; công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh. Môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh có chuyển biến tiến bộ, chỉ số PCI của tỉnh được cải thiện cả về điểm số và thứ hạng.
Tuy nhiên, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp tổ chức thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) ở một số ngành, địa phương có lúc, có nơi còn thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Chỉ số PCI của tỉnh tuy đã có những cải thiện, nhưng còn chậm và thiếu tính ổn định, chưa đạt được mục tiêu đề ra, nhiều chỉ số thành phần có điểm số thấp dưới mức trung bình.
Nhằm tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể trong tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau đây:
1- Tập trung quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 19/2016/NQ-CP, ngày 28-4-2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết 04-NQ/TU, ngày 1-7-2016 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cải cách hành chính, gắn với đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng, mục đích, yêu cầu của việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tinh thần và thái độ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp, theo hướng thân thiện, đồng hành, chia sẻ.
2- Chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức rà soát, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm các cơ quan liên quan đối với kết quả thực hiện các chỉ số thành phần PCI của tỉnh. Từ đó, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá cần tập trung thực hiện để cải thiện và nâng thứ hạng về chỉ số PCI của tỉnh ngay trong năm 2016 và những năm tiếp theo; phấn đấu đưa chỉ số PCI của tỉnh nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố có vị trí xếp hạng cao của cả nước vào năm 2020.
- Nghiên cứu, cụ thể hóa nhiệm vụ trên các trục nội dung để tiến hành đánh giá kết quả thực hiện chỉ số năng lực cạnh tranh cho các ngành, các địa phương; trên cơ sở đó, định kỳ đánh giá kết quả thực hiện và xem đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt của các địa phương, đơn vị.
- Nâng cao tính năng động, tiên phong của đội ngũ lãnh đạo các cấp trong công tác thu hút đầu tư, đầu tư phát triển. Người đứng đầu của các ngành, các địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp về kết quả thực hiện nhiệm vụ nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của địa phương, đơn vị mình.
- Tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm rà soát, cắt giảm mạnh các thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp; nghiên cứu, điều chỉnh các cơ chế, chính sách, thủ tục còn chưa phù hợp, gây phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp nhằm tạo môi trường đầu tư thật sự thuận lợi, thông thoáng, tạo điều kiện thu hút các đối tác chiến lược, tiềm năng vào tỉnh. Rà soát, đánh giá lại hiệu quả hoạt động của mô hình Văn phòng Phát triển kinh tế (EDO); nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của các tỉnh trong việc thành lập Trung tâm dịch vụ công của tỉnh.
- Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung các loại quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và quy hoạch ngành đảm bảo đồng bộ, phù hợp với thực tiễn, gắn với thực hiện công khai, minh bạch các thông tin liên quan đến thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp trên nhiều kênh khác nhau, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp tiếp cận. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để giải quyết mặt bằng phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
- Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng của cán bộ, công chức, nhất là những cán bộ, công chức thường xuyên tiếp xúc với người dân và doanh nghiệp; chú trọng lựa chọn, bố trí cán bộ có năng lực công tác và phẩm chất đạo đức tốt làm việc tại bộ phận “một cửa”, “một cửa liên thông”.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước; đẩy mạnh triển khai ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, nhất là các lĩnh vực thuế, đất đai, đăng ký kinh doanh, cấp chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh... Thiết lập hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý kiến nghị và kết quả giải quyết thủ tục hành chính để người dân và doanh nghiệp đánh giá, phản ánh về chính sách, thủ tục hành chính và việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính.
3- Triển khai thực hiện tốt các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp; định kỳ tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại; tăng cường các hoạt động tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp; quan tâm xây dựng hệ thống hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, chú trọng đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp. Phát huy vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp, các hội ngành nghề trong tham gia đóng góp xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến doanh nghiệp.
Tăng cường công tác hậu kiểm sau cấp giấy chứng nhận đầu tư; thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án đầu tư, đồng thời, kiên quyết xử lý các dự án vi phạm tiến độ theo quy định của pháp luật; bảo đảm môi trường đầu tư, kinh doanh thật sự thông thoáng, bình đẳng, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, nhất là nguồn lực đất đai, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
4- Tăng cường công tác thanh tra hành chính, thanh tra công vụ; xử lý nghiêm các biểu hiện tắc trách, nhũng nhiễu, tiêu cực của cán bộ, công chức, viên chức đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp; phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của các tổ chức cơ sở đảng trong cơ quan, đơn vị về việc thực hiện các chủ trương của Trung ương, của tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, về công tác phòng, chống tham nhũng, về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp gắn với tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
5- Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống tư pháp; xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm tra, thanh tra trong việc kiểm tra, thanh tra các tổ chức, doanh nghiệp, đảm bảo không chồng chéo, giảm số lần thanh tra, kiểm tra, bảo đảm nguyên tắc không làm cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp và thực hiện đúng quy định của pháp luật.
6- Ban Cán sự đảng UBND tỉnh, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc căn cứ Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và tình hình thực tiễn tại địa phương chỉ đạo UBND các cấp, các sở, ngành chức năng xây dựng kế hoạch cụ thể để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đảm bảo đạt mục tiêu kế hoạch đề ra.
7- Ban cán sự đảng UBND tỉnh chủ trì, phối hợp các Ban Đảng Tỉnh ủy theo dõi, kiểm tra, giám sát và đôn đốc việc triển khai thực hiện Chỉ thị; định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy để theo dõi, chỉ đạo.
Chỉ thị này được phổ biến đến các chi, đảng bộ.