Kiện toàn BCĐ điều tra tài nguyên - môi trường biển
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo Nhà nước về điều tra cơ bản tài nguyên - môi trường biển.
Theo Quyết định, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Phó Trưởng ban Thường trực là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương làm Phó Trưởng ban.
Ủy viên Ban Chỉ đạo gồm: Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc; Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục; Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Thành Minh; Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương Ngô Đông Hải; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Bùi Đặng Dũng; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trung tướng Lê Chiêm; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám; Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng; Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Công; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc; Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam Nguyễn Vũ Trường Sơn; Trưởng ban Ban Kinh tế - Tài chính Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam Phan Ngọc Minh.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bước triển khai cụ thể thực hiện Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 (Đề án tổng thể); chỉ đạo sự phối hợp liên ngành giữa các Bộ, ngành và địa phương liên quan cân đối việc sử dụng tổng hợp các nguồn lực trong việc triển khai thực hiện Đề án tổng thể; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương liên quan thực hiện Đề án tổng thể; đề xuất những sáng kiến mới, những nội dung mới và tìm nguồn lực nhằm thúc đẩy việc hoàn thành mục tiêu, nội dung của công tác điều tra cơ bản tài nguyên - môi trường biển.
Hoàn thiện quy định về KD đặt cược đua ngựa, bóng đá quốc tế
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp về dự thảo Nghị định về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu thực hiện theo đúng những nội dung đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các nội dung: Không sử dụng hình ảnh, kết quả các cuộc đua ngựa, đua chó quốc tế làm căn cứ kinh doanh đặt cược tại Việt Nam; Thời gian thí điểm kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế là 5 năm; Khoảng cách từ địa điểm bán vé đặt cược cố định đến các trường học, khu vui chơi công cộng dành riêng cho trẻ em không dưới 500m; Quy định thời điểm bắt đầu nhận đặt cược, thời điểm kết thúc nhận đặt cược, không giao cho doanh nghiệp kinh doanh đặt cược tự quyết định.
Cũng theo ý kiến của Phó Thủ tướng, doanh nghiệp kinh doanh đặt cược chỉ được phép phân phối vé đặt cược thông qua điện thoại và các phương tiện viễn thông khác khi đáp ứng điều kiện có tối thiểu 5 năm kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh đặt cược đối với phương thức phân phối vé thông qua thiết bị đầu cuối tại Việt Nam. Không quy định việc phân phối vé đặt cược qua mạng internet.
Phó Thủ tướng yêu cầu cơ quan soạn thảo tham khảo dự thảo Nghị định về kinh doanh casino để quy định về quảng cáo và điều kiện đối với người chơi.
Ngoài ra, dự thảo Nghị định cũng cần được hoàn thiện theo hướng quy định rõ điều kiện, tiêu chí, nguyên tắc để Bộ Tài chính quy định danh mục sản phẩm đặt cược cụ thể; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định danh mục các giải thi đấu bóng đá quốc tế.
Bên cạnh đó, cần quy định cụ thể các nội dung về phương thức phân phối vé đặt cược, địa bàn kinh doanh đặt cược, đại lý bán vé đặt cược bóng đá quốc tế tại dự thảo Nghị định.
Đối với việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư trường đua ngựa, đua chó, trong đó có hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và lựa chọn doanh nghiệp tổ chức thí điểm kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế, điều kiện, trình tự, thủ tục, quyết định chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đầu tư… thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Đấu thầu.
Dự thảo Nghị định cần quy định rõ hơn trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhất là trong việc quản lý chuyên ngành hoạt động đặt cược bóng đá quốc tế.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình Chính phủ trước ngày 15/8/2016.
Sớm đưa cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai vào sử dụng
Cụ thể, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo đảm bảo hoàn thành xây dựng (kể cả trang thiết bị) đảm bảo tiến độ, chất lượng để đưa 02 bệnh viện vào sử dụng sớm nhất đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân; chỉ đạo Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai khẩn trương chuẩn bị nguồn nhân lực cho 2 Bệnh viện mới, bảo đảm vận hành hiệu quả 2 bệnh viện ngay sau khi hoàn thành đầu tư và chỉ đạo xây dựng cơ chế quản lý 2 bệnh viện theo hướng tự chủ, gắn với trách nhiệm giải trình, công khai minh bạch và không để tình trạng công tư lẫn lộn, dẫn đến phân biệt khám, chữa bệnh dịch vụ và khám chữa bệnh bảo hiểm y tế như trong các bệnh viện hiện nay.
Các Bộ: Tài chính, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Hà Nam giải quyết theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ giải quyết những vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền trong quá trình thực hiện 2 Dự án này.
Phó Thủ tướng yêu cầu định kỳ hàng tháng, Bộ Y tế báo cáo, cập nhật tiến độ triển khai thực hiện Dự án xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Dự án xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai bao gồm cả kế hoạch chuẩn bị nguồn nhân lực, gửi Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Dự án xây mới cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức được khởi công xây dựng vào ngày 13/12/2014 tại xã Liêm Tuyền, thành phố Phủ Lý, Hà Nam.
Cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai sẽ là hai bệnh viện hiện đại lớn nhất từ trước đến nay được xây dựng. Và đây cũng là lần đầu tiên nước ta có bệnh viện được xây dựng và vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế.
Hai cơ sở này nằm cạnh tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, thuận lợi trong việc tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân. Mục tiêu phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân các tỉnh Bắc Trung Bộ và một số tỉnh đồng bằng sông Hồng.
Mỗi bệnh viện được xây dựng trên diện tích gần 21ha. Dự kiến đến cuối năm 2017 sẽ đưa vào sử dụng toàn bộ bệnh viện.
Cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai được đầu tư xây mới thành một bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh hiện đại để chữa các bệnh nặng, chuyên khoa sâu như: tim mạch, nội khoa, ung bướu, thận tiết niệu, hô hấp; đáp ứng khoảng 5.000 lượt khám mỗi ngày. Cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức được đầu tư thành một bệnh viện ngoại khoa hoàn chỉnh chữa trị các chấn thương xương, sọ, não, đầu mặt, cổ, lồng ngực, cột sống; vi phẫu tim mạch nhi; đáp ứng 3.500 lượt khám mỗi ngày.
Nguồn Văn phòng Chính phủ