1. Hỏi: Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 được thực hiện theo quyết định nào?
Trả lời: Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 được thực hiện theo quyết định số 1225/QĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016.
2. Hỏi: Mục đích của Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 là gì?
Trả lời: Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 thu thập thông tin cơ bản về nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản và nông thôn ở nước ta nhằm mục đích:
- Thứ nhất, biên soạn các chỉ tiêu kinh tế - xã hội phục vụ việc đánh giá thực trạng, phân tích xu hướng biến đổi, xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn và cải thiện mức sống dân cư nông thôn trên phạm vi cả nước cũng như của từng địa phương;
- Thứ hai, biên soạn các chỉ tiêu kinh tế - xã hội phục vụ việc đánh giá kết quả thực hiện một số nội dung của các chương trình mục tiêu quốc gia về công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới; phục vụ so sánh quốc tế về các chỉ tiêu khu vực nông nghiệp và nông thôn;
- Thứ ba, xây dựng cơ sở dữ liệu về nông nghiệp và nông thôn phục vụ công tác nghiên cứu chuyên sâu và làm dàn chọn mẫu cho một số cuộc điều tra định kỳ hàng năm và các yêu cầu thống kê khác.
3. Hỏi:Điều tra thu thập thông tin về Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 được thực hiện ở phạm vi nào và với những đối tượng nào?
Trả lời: Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 được thực hiện trên phạm vi cả nước, đối tượng của Tổng điều tra bao gồm:
a) Lao động của hộ dân cư sống ở nông thôn và hộ có tham gia hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp và thủy sản ở khu vực thành thị;
b) Điều kiện sản xuất của các đơn vị có tham gia hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp và thủy sản;
c) Điều kiện sống của hộ nông thôn, hộ có tham gia hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp và thủy sản ở khu vực thành thị;
d) Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn.
4. Hỏi: Đơn vị điều tra trong Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 là gì?
Trả lời: Đơn vị điều tra của Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 bao gồm:
1. Hộ nông thôn;
2. Hộ có tham gia hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp và thủy sản ở khu vực thành thị;
3. Trang trại nông, lâm nghiệp và thủy sản;
4. Ủy ban nhân dân xã;
5. Ban quản lý khu nhà ở cho công nhân ở khu vực nông thôn;
6. Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
8. Tổ chức cấp chứng nhận sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi được sản xuất sơ chế phù hợp với VietGAP và tương đương (Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt và tương đương) do các cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định;
9. Các đơn vị có hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản do Bộ Ọuốc phòng quản lý.
Riêng đơn vị điều tra là các doanh nghiệp và hợp tác xã nông, lâm nghiệp và thủy sản được điều tra lồng ghép trong “Điều tra doanh nghiệp năm 2016” của Tổng cục Thống kê nên không đề cập đến tại Tổng điều tra này.
5. Hỏi: Nội dung của Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 bao gồm những gì?
Trả lời: Nội dung của Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016, tập trung vào 3 nhóm chủ yếu sau:
Thứ nhất, Nhóm thông tin về thực trạng nền sản xuất khu vực nông nghiệp bao gồm:
(1) Đơn vị sản xuất và lao động gồm: Số lượng đơn vị sản xuất (hộ, trang trại); Số lao động và cơ cấu lao động phân theo giới tính, tuổi, ngành hoạt động, trình độ chuyên môn, hình thức làm việc; sử dụng thời gian lao động.
(2) Tư liệu sản xuất gồm: Đất đai; Máy móc, thiết bị; Gia súc, gia cầm; Khoa học, công nghệ.
(3) Hoạt động trợ giúp cho sản xuất gồm: Thông tin về hoạt động hỗ trợ sản xuất; Thông tin thị trường đầu vào, thị trường tiêu thụ sản phẩm trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản;
(4) Các thông tin cần thiết khác gồm: Thông tin về liên kết, hợp tác trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; bảo quản sản phẩm; tiêu dùng các sản phẩm nông sản chủ yếu; phát triển kinh tế trang trại; tác động của sản xuẩt nông nghiệp tới môi trường …
Thứ hai, Nhóm thông tin về nông thôn bao gồm: Thực trạng và sự chuyển dịch cơ cấu hộ và lao động nông thôn; Thực trạng về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn; Thông tin về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng; Vệ sinh môi trường nông thôn và các Thông tin cần thiết khác: Tổ hợp tác và làng nghề; cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của UBND xã;…
Thứ ba, nhóm thông tin về cư dân nông thôn bao gồm: Thông tin phản ánh điều kiện sống của cư dân nông thôn; Thông tin về tích luỹ và khả năng huy động vốn, tình hình vay vốn, khả năng tiêp cận tín dụng của cư dân nông thôn; Thông tin về đào tạo nghề; nhu cầu chuyển đổi, đào tạo nghề nghiệp của lao động nông thôn và kết quả thực hiện các chính sách khác ở nông thôn; Thông tin cơ bản của một số chức vụ lãnh đạo xã.
6. Hỏi: Thời điểm và thời gian điều tra được quy định như thế nào trong Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016?
Trả lời: Thời điểm Tổng điều tra là ngày 01/7/2016.
Thời gian thu thập thông tin tối đa 30 ngày, từ ngày 01/7/2016 đến ngày 30/7/2016.
7.Hỏi: Các phương pháp thu thập thông tin trong Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016?
Trả lời: Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 sử dụng 2 phương pháp chính sau để thu thập thông tin:
a. Thực hiện phỏng vấn trực tiếp để thu thập thông tin tại hộ, trang trại và UBND xã:
b. Thực hiện thu thập thông tin gián tiếp đối với các đơn vị điều tra sau:
(1) Ban quản lý khu nhà ở cho công nhân ở khu vực nông thôn;
(2) Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh, thành phổ trực thuộc Trung ương;
(3) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
(4) Tổ chức cấp chứng nhận VietGAP và tương đương do các cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ định;
(5) Các đơn vị có hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản do Bộ Quốc phòng quản lý.
8. Hỏi: Việc công bố kết quả trong cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 được quy định như thế nào?
Trả lời: Thông tin về kết quả Tổng điều tra do Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê công bố theo quy định của pháp luật.
Cục trưởng Cục Thống kê cấp tỉnh chỉ công bố kết quả Tổng điều tra ở địa phương mình theo đúng kết quả do Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã công bố.
Số liệu sơ bộ công bố vào tháng 12 năm 2016; Kết quả chính thức công bố vào quý III năm 2017.
9. Hỏi: Những hộ nào không thuộc đối tượng của Tổng điều tra?
Trả lời: Trong cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 quy định những hộ sau đây không thuộc đối tượng điều tra:
- Hộ không có hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp, diêm nghiệp và thủy sản sống ở khu vực thành thị;
- Hộ đã chuyển đi nơi khác trước thời điểm 01/7/2016 mặc dù đã cư trú tại thôn, ấp, bản trên 6 tháng trong 12 tháng qua;
- Các hộ là học sinh, sinh viên sống trong ký túc xá của các trường học; Học sinh phổ thông thuê nhà trọ hoặc ở nhờ;
- Các hộ là những người sống trong các cơ sở tôn giáo (nhà chung, nhà chùa…);
- Cán bộ, chiến sỹ trong các doanh trại của lực lượng vũ trang (quân đội, công an);
- Công nhân, người lao động sống trong các khu lán trại của các công trình xây dựng (giao thông, thủy lợi, thủy điện,…) trên địa bàn nông thôn thời gian dưới 6 tháng.
Hỏi: [câu hỏi thêm] Những hộ là các sinh viên các trường đại học, chuyên nghiệp thuê nhà trọ hoặc ở nhờ thuộc khu vực nông thôn có thuộc đối tượng điều tra không?
Trả lời: Có, phạm vi cuộc Tổng điều tra còn bao gồm:
+ Những hộ người lao động; học sinh, sinh viên các trường chuyên nghiệp thuê trọ ở khu dân cư khu vực nông thôn;
+ Những hộ giáo viên, công chức sống trong các khu tập thể trường học, bệnh viện, các cơ quan hành chính, sự nghiệp... trên địa bàn nông thôn.
10. Hỏi: Điều tra viên là gì? Làm thế nào để nhận biết được điều tra viên khi đến hộ phỏng vấn?
Trả lời: Điều tra viên là người được Ban Chỉ đạo Tổng điều tra cấp xã tuyển dụng, được Ban Chỉ đạo Tổng điều tra cấp huyện tập huấn nghiệp vụ điều tra để thu thập thông tin của Tổng điều tra theo quy định của phương án và quy trình thu thập thông tin được cấp có thẩm quyền quy định.
Điều tra viên khi đến hộ phải đeo thẻ ĐIỀU TRA VIÊN do Ban Chỉ đạo Tổng điều tra cấp tỉnh cấp phát.
11. Hỏi: Pháp luật hiện hành của nước ta quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được điều tra thống kê như thế nào?
Trả lời: Theo Điều 33 Luật Thống kê năm 2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016) quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được điều tra Thống kê như sau:
1. Tổ chức, cá nhân được điều tra thống kê có các quyền sau đây:
a) Được thông báo về quyết định, mục đích, yêu cầu, phạm vi, nội dung chủ yếu và thời hạn của cuộc điều tra;
b) Được bảo đảm bí mật thông tin đã cung cấp cho điều tra viên thống kê theo quy định tại Điều 57 của Luật này;
c) Khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về điều tra thống kê.
2. Tổ chức, cá nhân được điều tra thống kê có các nghĩa vụ sau đây:
a) Cung cấp thông tin trung thực, chính xác, đầy đủ và đúng thời hạn theo yêu cầu của điều tra viên thống kê hoặc cơ quan tiến hành điều tra thống kê;
b) Không được từ chối hoặc cản trở việc cung cấp thông tin điều tra thống kê;
c) Chịu sự kiểm tra của cơ quan tiến hành điều tra thống kê và thanh tra chuyên ngành thống kê về thông tin đã cung cấp.
12. Hỏi: Pháp luật hiện hành của nước ta quy định về bảo mật thông tin thống kê như thế nào?
Trả lời: Điều 57 Luật Thống kê năm 2015 quy định về bảo mật thông tin như sau:
1. Các loại thông tin thống kê nhà nước phải được giữ bí mật gồm:
a) Thông tin gắn với tên, địa chỉ cụ thể của từng tổ chức, cá nhân, trừ trường hợp tổ chức, cá nhân đó đồng ý hoặc luật có quy định khác;
b) Thông tin thống kê chưa được người có thẩm quyền công bố;
c) Thông tin thống kê thuộc danh mục bí mật nhà nước.
2. Việc bảo mật thông tin thống kê nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật.
13. Hỏi: Những thông tin cá nhân do hộ, trang trại và tổ chức cung cấp có được giữ kín không? Có dùng cho các mục đích khác không?
Trả lời: Thông tin của từng hộ, từng trang trại, tổ chức được bảo mật theo quy định của Luật Thống kê và chỉ dùng để tổng hợp chung cho từng địa bàn điều tra, từng thôn, ấp, bản và từng cấp hành chính (xã, huyện, tỉnh, toàn quốc), không dùng cho bất kỳ mục đích nào khác.
14. Hỏi: Trong suốt quá trình thu thập thông tin của cuộc Tổng điều tra mà không có điều tra viên nào đến phỏng vấn thì người dân phải làm gì?
Trả lời: Nếu trong suốt quá trình thu thập thông tin của cuộc Tổng điều tra (theo quy định là từ ngày 01 đến ngày 30/7/2016) mà không có điều tra viên nào đến phỏng vấn thì người dân báo ngay cho Ban Chỉ đạo Tổng điều tra xã/phường/thị trấn nơi mình cư trú, hoặc gọi điện về Tổ Thường trực Tổng điều tra Trung ương theo các số máy điện thoại cố định là: (04) 38463522, (04) 38234903, (04) 37343799, (04) 37343802 hoặc các số di động 0936939869, 0913530234, 0912281585, 0916428111.
15. Hỏi: Khi cần tìm hiểu thêm thông tin liên quan tới cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016, có thể hỏi ở đâu?
Trả lời: Trường hợp cần tìm hiểu thông tin liên quan đến Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 xin liên hệ qua Tổ Thường trực Tổng điều tra Trung ương, có trụ sở đặt tại Vụ Thống kê Nông, Lâm nghiệp và Thuỷ sản - Tổng cục Thống kê.
Địa chỉ: Số 6B Hoàng Diệu - Ba Đình - Hà Nội;
Điện thoại: (04) 38463522, (04) 38234903, (04) 37343799, (04) 37343802 hoặc các số di động 0936939869, 0913530234, 0912281585, 0916428111
Hoặc gửi thư điện tử qua địa chỉ Email: nonglamthuysan@gso.gov.vn
Tổng cục Thống kê hoan nghênh tinh thần hợp tác và giúp đỡ của tất cả người dân, các cán bộ thôn, xóm, ấp, bản, tổ dân phố, các tổ chức, đoàn thể quần chúng và chính quyền các cấp để cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 thực hiện thành công.