Có thể nói, thời gian qua các cơ quan chức năng trong tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp tích cực nhằm ngăn chặn và hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng các chất cấm, kháng sinh trong chăn nuôi, góp phần bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm rất cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của chính quyền các địa phương.
Cơ sở nuôi heo theo mô hình trang trại phát triển ở các địa phương trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Sơn Ngọc
Theo số liệu của Cục Chăn nuôi, qua khảo sát một số trại chăn nuôi gà trong toàn quốc thì hầu hết có sử dụng kháng sinh cao hơn quy chuẩn, 100% các trại chăn nuôi heo được khảo sát đều có hàm lượng kháng sinh vượt ngưỡng từ 2-4 lần!. Có thể nói, lâu nay người chăn nuôi vốn đã có “thói quen” sử dụng kháng sinh để không chỉ trị bệnh mà còn xem như “thần dược” vỗ béo vật nuôi nhưng phần lớn đều không am hiểu tính năng, độc hại… của thuốc cũng như không lường trước được là cơ thể vật nuôi có thể mang mầm độc hại cho người tiêu dùng, nhất là nguy cơ gây các bệnh ung thư.
Theo các chuyên gia, việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi còn độc hại gấp nhiều lần so với sử dụng các chất cấm như chất tạo nạc Salbutamol, vàng ô… Đó là chưa đề cập đến chất lượng thuốc kháng sinh không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng… trôi nổi được bày bán trên thị trường mà theo thống kê của Cục Thú y hiện có hơn 1/4 loại thuốc thú y đang được lưu hành là kém chất lượng!. Không chỉ trong chăn nuôi, ngay cả trong nuôi trồng thủy sản cũng rơi vào tình trạng tương tự thậm chí mức độ lạm dụng kháng sinh còn cao hơn nhiều. Hay như trong sản xuất rau xanh- nhu cầu không thể thiếu của người tiêu dùng mỗi ngày- tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật thường xuyên dẫn đến tỷ lệ tồn dư thuốc cao, có nguy cơ làm ngộ độc người tiêu dùng…
Vấn đề đặt ra là cần làm gì để đẩy lùi nạn lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi?. Theo khuyến cáo của đơn vị chức năng, cần bắt đầu từ những việc rất đơn giản nhưng thiết thực đó là hướng dẫn các hộ chăn nuôi cách sử dụng kháng sinh vừa tiết kiệm lại vừa hiệu quả theo nguyên tắc “4 đúng”: đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc, đúng cách, đồng thời thực hiện nghiêm túc “3 không”: không chất cấm, không sử dụng kháng sinh ngoài danh mục, không dùng kháng sinh không rõ nguồn gốc xuất xứ. Hay đối với người trồng rau cần khuyến cáo sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”: Dùng đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách.
Thiết nghĩ, để ngăn chặn, tiến tới “nói không” với việc sử dụng chất cấm, kháng sinh trong chăn nuôi theo khuyến cáo nêu trên, trong thời gian tới các ngành chức năng cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng các loại vật tư nông nghiệp; thanh tra, kiểm tra tập trung chủ yếu dưới hình thức đột xuất, phát hiện và chấn chỉnh cũng như xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đồng thời khuyến khích người dân chăn nuôi theo mô hình an toàn sinh học, chăn nuôi VietGAP... Từ đó làm thay đổi nhận thức của người chăn nuôi, nâng cao chất lượng sản phẩm và nâng cao hiệu quả chăn nuôi, góp phần đưa ngành chăn nuôi trong tỉnh phát triển bền vững. Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương cũng cần tích cực vào cuộc, tăng cường tuyên truyền và phối hợp với ngành chức năng siết chặt quản lý, ngăn chặn tình trạng hộ chăn nuôi cố tình sử dụng các chất cấm, kháng sinh cho vật nuôi, gây tổn hại đến sức khỏe người tiêu dùng...
H.H