Theo kế hoạch, vụ hè-thu 2016, toàn tỉnh chuyển đổi 505ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng bắp, đậu xanh, mè và rau màu các loại. Cụ thể, huyện Bác Ái chuyển đổi 165ha, Thuận Bắc 250ha, Ninh Phước 60ha, Thuận Nam 30ha. Công tác chuyển đổi đang diễn ra đúng tiến độ. Theo báo cáo tổng hợp của Sở NN&PTNN, việc chuyển đổi diễn ra đồng loạt, nông dân đang tiếp tục làm đất sớm hoàn tất xuống giống vào cuối tháng 6. Những địa phương làm tốt chuyển đổi cây trồng cạn là huyện Bác Ái, Thuận Bắc, đến thời điểm hiện nay, tỷ lệ xuống giống đạt trên 70%.
Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra công tác chuyển đổi cây trồng chịa hạn
ở thôn Hiệp Kiết, xã Công Hải (Thuận Bắc)
Ghi nhận tại xã Phước Chính (Bác Ái), khi có chủ trương chuyển đổi, xã tập trung vận động nâng cao nhận thức của nông dân tạo được hiệu ứng tích cực. Qua tuyên truyền, bà con thấy được sự cần thiết phải thay đổi giống cây trồng mới thích nghi với điều kiện hạn hán để nâng cao năng suất. Vì vậy, ngay sau cơn mưa đầu mùa (vào cuối tháng 5-2016), các hộ nằm trong diện được hỗ trợ chuyển đổi đã tranh thủ làm đất, xuống giống đậu xanh. Chị Chamaléa Thị Mây (thôn Suối Khô) là điển hình thực hiện tốt việc chuyển đổi, cho biết: Thực tế sản xuất lúa ở vùng đất gò cao là không phù hợp nên mình chuyển qua trồng đậu xanh cho hiệu quả cao hơn.
Rút kinh nghiệm ở vụ trước, công tác chuyển đổi cây trồng cạn ở vụ này có sự liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong cung cấp giống nên tiến độ xuống giống nhanh. Tuy nhiên, vẫn có một số hộ chần chừ, trông ngóng trời có mưa tiếp để trồng lúa, làm ảnh hưởng đến công tác chuyển đổi chung. Đồng chí Nguyễn Lê, Chi cục Phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: Qua kiểm tra thực tế ở vùng chuyển đổi gần các hồ đập, kênh mương thuộc huyện Ninh Phước, Thuận Bắc, một số hộ đến nay vẫn chưa xuống. Không loại trừ khả năng khi trời có mưa nông dân quay lại tập quán canh tác cũ, phá vỡ kế hoạch xây dựng vùng chuyên canh cây trồng cạn theo hướng bền vững. Có bám sát cơ sở, nắm bắt tâm tư của nông dân mới thấy, trồng lúa tuy giá trị kinh tế không cao, nhưng dễ làm, dễ tiêu thụ. Trong khi đó, cùng trên vùng đất đó muốn chuyển đổi sang cây chịu hạn phải có hệ thống thủy lợi tưới tiêu đồng bộ.
Hiện nay, ngoài vùng chuyển đổi cây trồng cạn ở khu vực thôn Láng Me, Xóm Bằng (xã Bắc Sơn, Thuận Bắc) đã được đầu tư xây dựng trạm bơm điện lấy nước từ kênh Bắc lên phục vụ sản xuất, các vùng chuyển đổi khác như ở thôn Trường Sanh (xã Phước Hậu, Ninh Phước), thôn Mỹ Hiệp, (xã Mỹ Sơn, Ninh Sơn)… giải pháp công trình chưa được thực hiện nên nông dân không an tâm chuyển đổi do phải đầu tư mua máy bơm tốn kém. Do vậy, để chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa không chủ động nước bảo đảm bền vững, vấn đề quan trọng là phải giải quyết được khâu nước tưới. Đồng chí Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNN, cho biết: Thực hiện quy trình tưới tiêu khoa học, tiết kiệm nước phục vụ chuyển đổi, đơn vị đã đề nghị các địa phương rà soát những công trình hồ đập, kênh mương trên địa bàn có nguồn nước dồi dào để xây dựng các trạm bơm cung cấp nước thường xuyên cho các vùng chuyển đổi. Huyện Ninh Phước đã đề xuất xây trạm bơm tận dụng nước dư từ sông Quao tưới cho 200ha ở thôn Trường Sanh (xã Phước Hậu); huyện Thuận Bắc đề xuất xây trạm bơm lấy nước từ suối Vườn Gòn phục vụ vùng chuyển đổi ở thôn Hiệp Kiết, xã Công Hải. Khi các trạm bơm này được đầu tư xây dựng, chương trình chuyển đổi cây trồng cạn thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu sẽ đảm bảo ổn định, lâu dài.
Anh Tùng