(NTO) Tác hại thuốc lá đang là vấn đề sức khỏe toàn cầu. Hàng năm Tổ chức Y tế thế giới chọn ngày 31-5 làm Ngày Thế giới không thuốc lá, ban hành Hiệp ước khung phòng, chống tác hại thuốc lá và đã được nhiều nước tham gia, đưa ra những quy định, hình thức nhằm giảm số người hút thuốc lá, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường. Việt Nam đã ban hành Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, có hiệu lực thi hành vào ngày 1-5-2013. Trên thực tế việc thực thi luật vẫn còn nhiều việc cần thực hiện dần, có trọng tâm và có hiệu quả. Hiện nay tập trung vào những việc sau:
Ảnh minh họa.
1. Tuyên truyền tích cực, liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng và lưu ý việc đẩy mạnh truyền thông trực tiếp với những đối tượng nông dân ít tiếp cận với thông tin, không thích lý thuyết dài dòng, mà chỉ cần có người làm gương trước để làm theo.
2. Xây dựng môi trường không thuốc lá từ bệnh viện, trường học, công sở và gia đình: Đây là khâu then chốt vì là nơi chúng ta có thể bắt đầu thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá. Tuyên truyền, đưa công tác phòng, chống tác hại thuốc lá vào nội quy thi đua, khen thưởng hàng năm; cán bộ lãnh đạo, quản lý làm gương; có sự đấu tranh của những người bị hút thuốc lá thụ động trong đơn vị, đồng thời cơ quan biểu dương, khen thưởng người bỏ hút thuốc lá. Từ đó trong đơn vị xuất hiện tâm lý đám đông và người hút thuốc lá thấy khó khăn mỗi khi hút thuốc nên buộc phải giảm dần số lần hút thuốc và dần đến lúc sẽ quyết định “bỏ hút thuốc”.
Nước ta có 80% dân số sống ở nông thôn. Vì vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền tác hại thuốc lá từ Hội Nông dân cho nông dân, từ Hội Phụ nữ cho phụ nữ. Tại gia đình, người hút thuốc biết rõ tác hại thuốc lá, không ai lại “nỡ đầu độc con, cháu mình” bằng khói thuốc lá, nên họ buộc phải ra ngoài nhà để hút thuốc hoặc là quyết định “bỏ thuốc lá” vì sức khỏe chính mình và người thân.
Bệnh viện là nơi điều trị người bệnh, thường có loa phát thanh tuyên truyền không hút thuốc lá trong bệnh viện, lại có lực lượng bảo vệ giám sát, người nhà bệnh nhân nhắc nhở thì không ai có thể “coi thường việc cấm hút thuốc lá”. Các thầy thuốc không hút thuốc lá trong bệnh viện vì phải chấp hành nội quy cơ quan, đồng thời phải là người làm gương không hút thuốc lá để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Trường học là nơi tập trung lứa tuổi thanh, thiếu niên. Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá cấm hút thuốc tuyệt đối trong khuôn viên trường học. Vì thế, nhà trường cần tuyên truyền lồng ghép vào bài học, tạo cho học sinh tâm lý “ghét thuốc lá vì hại sức khỏe”, thầy giáo phải tự giác gương mẫu không hút thuốc lá.
3. Cấm quảng cáo thuốc lá với nhiều chiêu trò tinh vi, đẹp mắt, hấp dẫn…, quảng cáo nhằm giữ chân những người đang hút thuốc và lôi cuốn, hấp dẫn những bạn trẻ tò mò muốn thử nghiệm cảm giác hút thuốc lá. Kiểm soát nghiêm việc quảng cáo thuốc lá và buôn bán thuốc lá đúng luật trên địa bàn quản lý. Đây là khâu các cơ quan chức năng có thể thực hiện tốt Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá mà không bị vướng trở ngại. Không cho quảng cáo thuốc lá dưới mọi hình thức, không được bán thuốc lá cho trẻ em dưới 18 tuổi, không được bán thuốc lá trong căn-tin bệnh viện, trường học. Phạt đúng luật để tạo sự ngăn cách thuốc lá với người chưa biết hút thuốc lá, cộng với tuyên truyền tích cực sẽ tạo được tâm lý ghét thuốc lá trong học sinh, sinh viên vì lý do thẩm mỹ, sức khỏe và kinh tế.
BS. Nguyễn Năm