Không phải hiện nay, vấn đề nước sinh hoạt cho vùng hạn đã được tỉnh quan tâm đầu tư. Chỉ tính từ năm 2014 đến nay, có 21 công trình đấu nối, mở rộng hệ thống cấp nước được đầu tư đưa vào sử dụng, với số hộ hưởng lợi là 1.271. Tuy nhiên, ở một số nơi hệ thống nước sinh hoạt đã được Nhà nước đầu tư về tận ngõ, nhưng bà con vẫn không lắp đặt đồng hồ đưa nước vào nhà sử dụng, mà cứ “nai lưng” xuống suối chắt từng can nước về dùng. Đơn cử, ở huyện Thuận Bắc, hệ thống cấp nước xã Phước Chiến đã được đầu tư từ lâu nhưng đến nay vẫn còn 100 hộ chưa đấu nối nước vào nhà, mặc dù chi phí lắp đặt đường ống và đồng hồ nước chỉ 1,3 triệu đồng/hộ.
Bà con thôn Động Thông (xã Phước Chiến, Thuận Bắc) lấy nước dùng
cho sinh hoạt trong mùa hạn. Ảnh: Phan Hiếu
Chừng nào nước sinh hoạt chưa được các hộ dân kết nối vào nhà, thì những công trình cấp nước sinh hoạt dù được đầu tư bài bản đến đâu cũng không thể phát huy hết tác dụng. Lý giải vấn đề này, các hộ vin vào hoàn cảnh khó khăn là chưa thỏa đáng. Vì trên thực tế, có rất nhiều gia đình ở xã Nhơn Hải (Ninh Hải) cuộc sống cũng rất khó khăn nhưng khi hệ thống cấp nước được đầu tư tháng trước là tháng sau bà con bắt nước vào gia đình. Nói vậy để thấy, một số hộ dân vùng cao chưa mặn mà với nước máy không hẳn vì khó khăn, mà sâu xa vẫn là tập quán xuống suối lấy nước vẫn còn chi phối cuộc sống của họ.
Tại xã Phước Kháng (Thuận Bắc), hầu như các hộ đã đưa nước máy vào nhà, nhưng bà con vẫn giữ thói quen ra bến Nương tắm rửa, giặt giũ. Bến Nương là trảng nước được tạo thành bởi dòng xoáy của con suối nằm giữa thôn Cầu Đá và Đá Liệt. Một lần qua đây vào buổi chiều, chúng tôi chứng kiến cuộc sống sinh hoạt của người dân rất nhộn nhịp. Trai, gái đi làm rẫy về đều dừng chân tại bến Nương nghỉ ngơi, hóng mát, đám trẻ mục đồng tranh thủ lúc bò, dê uống nước lao xuống bến Nương ngụp lặn, nghịch đùa… Bến Nương là nơi “tiếp nhận” sinh hoạt mang đậm nét văn hóa của đồng bào Raglai vùng cao từ bao đời nay.
Nguồn nước cực kỳ quan trọng, chi phối cuộc sống thường ngày của người dân vùng cao, chính vì vậy câu chuyện lập bản, lập làng, lập thôn luôn gắn liền với nước. Thông thường, nơi cư trú của cộng đồng người Raglai thường ở gần những con suối hoặc chỗ có nguồn nước ngầm. Trên địa bàn thôn Tà Lú 1 (xã Phước Đại, Bác Ái) có mạch nước ngầm do các già làng phát hiện bằng kinh nghiệm dân gian từ trước tới nay không bao giờ cạn. Mặc dù nắng hạn gay gắt kéo dài, mạch nước dưới lòng đất vẫn phun trào, nhưng vào năm 2000, mạch nước này đã bị lấp để xây dựng nhà truyền thống.
Đồng chí Đá Mài Bắn, Bí thư Đảng ủy xã Phước Chiến, chia sẻ: Cuộc sống người Raglai bây giờ thay đổi rất nhiều, đời sống sinh hoạt ngày càng phát triển, văn minh hơn, nhưng tuyệt nhiên không ai từ bỏ thói quen xa rời bến nước. Vì thế, khi phát hiện ra nguồn nước dù ở trong ngóc ngách hang đá, xa nơi cư trú, họ cũng tìm mọi cách dẫn đến chỗ bằng phẳng để cộng đồng cùng sử dụng...
Các bến nước ở vùng cao tưởng chừng vô tận, nhưng cũng đang cạn dần bởi sự biến đổi của khí hậu. Và vì thế, thói quen ra suối lấy nước về sinh hoạt của bà con vùng cao ít nhiều bị ảnh hưởng. Mùa hạn hán, nhiều con suối trơ đáy, nước ở bến Nương không đủ để bà con sinh hoạt như ngày nào. Do vậy, vấn đề nước sinh hoạt cho miền núi trong mùa hạn hán luôn được các cấp, ngành đặt lên hàng đầu. Đồng chí Võ Chi, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc, cho biết: Với quyết tâm không để dân khát, huyện đang vận động 100 hộ dân ở xã Phước Chiến không quá trông chờ vào Nhà nước; tiết kiệm, bớt chi tiêu những thứ không cần thiết để lắp đặt đồng hồ dẫn nước vào nhà; đồng thời, kêu gọi các nhà hảo tâm chung tay hỗ trợ nhân dân vùng hạn.
Anh Tùng