Qua 4 năm về dạy học tại Trường THCS Ngô Quyền cũng là khoảng thời gian cô giáo Dương Thị Kim Tuyến (thôn Phước Đồng, Phước Hậu, Ninh Phước) và 2 giáo viên cùng trường về ở tại nhà bà Dương Thị Gạnh, vì trường chưa có chỗ ở cho giáo viên. Khi trường dành hai phòng làm nơi ăn nghỉ cho giáo viên, 2 đồng nghiệp đã vào ở trong trường, còn cô Tuyến vẫn ở nhà bà Gạnh. Giờ đây, khi đã có chồng con, cô giáo Tuyến vẫn quấn quýt bên bà. Chồng cô làm tận Cà Đú cũng theo vợ về đây và được bà dành hẳn một phòng trong căn nhà cấp 4 đơn sơ để vợ chồng chung sống. Vợ chồng cô gọi bà Gạnh là bà ngoại, còn con cô gọi bà là cố ngoại.
Cậu con trai của cô Tuyến luôn quấn quýt bên bà Gạnh khi mẹ vắng nhà.
Kể về “bà ngoại”, cô Tuyến giọng đầy xúc động: Khi cần chỗ ở, chúng tôi tìm đến nhà bà vì thấy nhà bà neo đơn chứ không dám chắc sẽ được bà nhận lời. Không ngờ, lúc chúng tôi đặt vấn đề là bà đồng ý ngay. Hàng tháng, bà chẳng lấy tiền nhà mà còn tạo điều kiện để chị em, gia đình chúng tôi sống thoải mái. Ở tuổi 76, những lúc rảnh rỗi, bà vẫn thường giúp cô giáo Tuyến đi chợ, nấu cơm. Trong căn nhà ấy, bà và gia đình cô cùng sinh hoạt, chẳng khác nào một gia đình ruột thịt.
Tương tự, tại Trường TH Thái An cũng có 4 giáo viên trẻ đến từ huyện Ninh Phước đã có 2 năm gắn bó với người dân nơi đây. Cô giáo Hán Thị Ngọc Anh, nhớ lại: Ngày mới về trường chưa có chỗ ăn ở, chúng tôi cũng lo lắm. May sao lúc ấy, một thầy giáo trong trường bảo có bà Gái Lai muốn kiếm người ở cùng. Thế là 4 chị em cùng nhau tìm đến nhà bà và được ở cho tới tận bây giờ.
Bà Gái Lai tên thật là Nguyễn Thị Thanh, năm nay đã ở tuổi 50. Con cái đứa học hành, làm ăn xa, đứa đã yên bề gia thất nên khi biết các thầy cô giáo thiếu chỗ ở, bà đã nhờ người giới thiệu về. Gắn bó qua thời gian, các cô xem bà Gái Lai như mẹ, còn bà xem họ như những đứa con thân yêu của mình. Hằng đêm, 5 “mẹ con” thường tâm sự những câu chuyện về cuộc sống, lúc rảnh rỗi lại cùng ra biển ngắm trăng, vui chơi... Từ lúc có các cô về ở cùng, căn nhà nhỏ bao giờ cũng rôm rả tiếng nói cười. Cũng giống như bà Gạnh, bà Gái Lai chẳng những không thu tiền nhà mà còn dành cả những vật dụng như tivi, tủ lạnh, bếp núc cho các cô giáo tự do sử dụng. Các cô giáo cũng được thoải mái mời bạn bè về nhà nấu nướng, tiệc tùng vui chơi.
Cô giáo Ngọc Anh chia sẻ thêm: Tôi mãi không quên được trận sốt năm ngoái. Hôm ấy, các chị em đều về nhà, chỉ còn mình tôi ở lại. Khi bị ốm, bà Gái Lai cùng bà con trong thôn người mua thuốc, chườm khăn, nấu cháo, lo lắng chăm sóc tôi chẳng khác gì mẹ chăm con. Dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng về Thái An, sự trân trọng, biết ơn là điều mà ai cũng cảm nhận được trong từng câu nói của mỗi người dân khi được hỏi về những thầy cô giáo. Tình người đáng trân trọng ấy càng thắp sáng thêm ngọn lửa yêu nghề và làm ấm lòng những người con gắn bó với việc “trồng người” trên quê hương Thái An.
Ngọc Diệp