Trước tình trạng đó, trong những năm gần đây, xã Mỹ Sơn đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện chất lượng chăm sóc SKSS cho phụ nữ, trong đó công tác tuyên truyền, tư vấn được ưu tiên hàng đầu. Để hoạt động tuyên truyền về dân số được thực hiện thường xuyên, phù hợp với từng đối tượng, hàng năm, Ban DS-KHHGĐ xã Mỹ Sơn phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể địa phương như: Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên lồng ghép tuyên truyền những việc nam giới cần làm giúp vợ khi mang thai như: Chủ động đưa vợ đi khám thai ít nhất 3 lần tại cơ sở y tế; làm các việc nặng nhọc thay vợ; chuẩn bị các phương tiện để đưa vợ đến các cơ sở y tế khi chuyển dạ; thực hiện các biện pháp tránh thai, chăm sóc SKSS, sức khỏe vị thành niên, thanh niên... Tổ chức cân, tiêm phòng và cho uống Vitamin đầy đủ theo định kỳ đối với trẻ dưới 5 tuổi. Đối với đồng bào dân tộc Raglai, mạng lưới y tế thôn thường xuyên bám sát cơ sở quản lý thai, theo dõi cũng như tư vấn các chị một số nội dung như: Lợi ích của việc khám thai, cách làm mẹ an toàn, dinh dưỡng cho trẻ, chăm sóc, thăm khám tại nhà cho bà mẹ sau sinh… Ngoài ra, hằng năm, Trạm Y tế xã còn phối hợp với Trường THCS Trần Hưng Đạo tổ chức tuyên truyền, tiêm chủng phòng ngừa uốn ván, rubella cho học sinh nữ khối lớp 9.
Cán bộ Trạm Y tế xã Mỹ Sơn chăm sóc trẻ sơ sinh. Ảnh: V.M
Y sĩ Nguyễn Thị Hiền, Phó trưởng Trạm Y tế xã Mỹ Sơn, cho biết: “Trước kia, khi mang thai, các chị không có thói quen đến Trạm y tế để thăm khám và thường sinh đẻ tại nhà. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, đội ngũ cộng tác viên nhiệt tình tuyên truyền, vận động, giúp chị em hiểu được ý nghĩa của việc chăm sóc SKSS, dần xoá bỏ thói quen sinh con tại nhà, tự nguyện đến Trạm y tế xã để khám thai đầy đủ và sinh con”. Nhiều chị em không chỉ thực hiện tốt việc chăm sóc SKSS cho bản thân, mà còn tích cực tham gia tuyên truyền, vận động các phụ nữ khác ở địa phương mình làm theo. Chị Bo Thị Xi, thôn Mỹ Hiệp, xã Mỹ Sơn, chia sẻ: Trước đây, tôi rất ngại khi chia sẻ những chuyện SKSS nên gặp khó khăn trong quá trình mang thai. Sau khi cán bộ y tế thôn đến tận nhà vận động, ngày 7-5 vừa qua, tôi tự nguyện đến Trạm y tế sinh con an toàn.
Bên cạnh sự nhiệt tình, trách nhiệm của cán bộ, viên chức, Trạm Y tế Mỹ Sơn còn được đầu tư các trang thiết bị phục vụ nhu cầu chăm sóc SKSS người dân như: Máy siêu âm, bàn đỡ đẻ, máy hút đàm nhớt, góc hồi sức trẻ sơ sinh… Nhờ vậy, thời gian qua, Trạm y tế trở thành “địa chỉ tin cậy” về chăm sóc SKSS của nhiều chị em. Trong năm 2015, có trên 70 phụ nữ đến sinh tại Trạm y tế xã, đạt 105%. Từ đầu năm đến nay, có 11 phụ nữ đến sinh con tại trạm. Tỷ lệ phụ nữ đến khám thai tại trạm ngày càng tăng, từ đầu năm đến nay, có 140 phụ nữ đến khám thai tại Trạm y tế; tỷ lệ tiêm chủng mở rộng cho trẻ em đạt 100%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 16,8%...
Mỹ Dung