Với cách áp dụng chuẩn nghèo mới theo phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đa chiều (với 5 chiều cơ bản: tiếp cận về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh tiếp cận thông tin), qua kết quả điều tra, trong 23.767 HN thì có 6.623 hộ thiếu hụt về mặt giáo dục, chiếm tỷ lệ 27,87%; có 12.304 hộ thiếu hụt về y tế, chiếm tỷ lệ 51,77%, trong đó, có 9.564 hộ thiếu hụt về chăm sóc sức khỏe y tế và 2.740 hộ thiếu hụt về BHYT (nghèo mới); có 17.328 hộ thiếu hụt về nhà ở, chiếm tỷ lệ 72,91%; 15.641 hộ thiếu nguồn nước sạch và vệ sinh chiếm tỷ lệ 65,81% hộ nghèo của tỉnh. Tỷ lệ này rất cao ở các huyện miền núi và trung du như Bác Ái chiếm 94,65%, Ninh Sơn chiếm 87,98%, Thuận Bắc chiếm 83,83%; có 6.377 hộ thiếu hụt về tiếp cận thông tin, chiếm tỷ lệ 26,83%. Từ kết quả trên, có thể thấy mức độ thiếu hụt về các nhu cầu xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếpcận thông tin - đây chính là rào cản để hộ nghèo vươn lên thoát nghèo và cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tái nghèo.
Đào tạo nghề may dân dụng tại Công ty Cổ phần may Tân Tiến Ninh Thuận.
Ảnh: Duy Anh
Ngoài ra, trong những năm gần đây, tình trạng hạn hán, thiên tai dẫn đến thiệt hại nặng cho ngành Nông nghiệp, đặc biệt là HN-HCN, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) càng bị ảnh hưởng nhiều hơn, dẫn đến nguy cơ thoát nghèo không bền vững, dễ dàng quay trở lại nhóm nghèo. Khả năng tái nghèo còn tăng cao và công tác giảm nghèo càng khó khăn hơn khi tiếp cận nghèo theo hướng đa chiều chứ không còn đơn chiều như trước đây. Ngoài các nguyên nhân trên, vấn đề về thị trường tiêu thụ sản phẩm của HN-HCN đều gặp khó khăn, nhưng với đồng bào DTTS còn chịu tác động mạnh hơn, khả năng tích lũy và tiếp thu những kinh nghiệm sản xuất chưa cao, trình độ tay nghề, chuyên môn, kỹ thuật thấp... dẫn đến tỷ lệ nghèo cao.
Đồng chí Hà Anh Quang, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết: Qua kết quả tổng điều tra, rà soát HN-HCN năm 2015, bước đầu là cơ sở để tỉnh ta xây dựng các đề án, phương án, kế hoạch thực hiện có hiệu quả hơn các chương trình phát triển, các chế độ, chính sách cho HN-HCN, người dân tộc thiểu số, các đối tượng yếu thế... có điều kiện vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng cùng phát triển, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Trước mắt, để thực hiện được mục tiêu mỗi năm giảm từ 1,5%-2% HN (giai đoạn 2016-2020), tỉnh ta đã đề ra một số giải pháp trọng tâm: Tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và nông thôn thích nghi với vùng khô hạn, đặc biệt là cho đối tượng HN-HCN để họ tự nâng cao năng lực sản xuất của mình, đây là cơ sở để họ tự thoát nghèo bền vững. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và bảo trợ xã hội cơ bản nhằm giúp HN-HCN có điều kiện thoát nghèo.
Khuyến khích hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và tạo việc làm cho người lao động, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, kinh tế tư nhân phát triển ở các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Đẩy mạnh khuyến nông, khuyến ngư, khuyến lâm, khuyến công cho HN-HCN và hộ đồng bào DTTS. Đẩy nhanh thực hiện Nghị đinh số 75/2015/NĐ-CP ngày 9-9-2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào DTTS giai đoạn 2015-2020.
Đẩy nhanh tốc độ nâng cao dân trí và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tác động từ văn hóa đến hoạt động đời sống cộng đồng cho đồng bào DTTS, hướng dẫn, khuyến khích đồng bào thay đổi tập quán lạc hậu trong sinh hoạt và sản xuất. Đẩy mạnh thông tin thị trường lao động, việc đào tạo nghề để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; ưu tiên việc dạy nghề, đào tạo lao động tại chỗ, tạo điều kiện cho xuất khẩu lao động. Tuyên truyền, giáo dục cho người nghèo về tác dụng của vấn đề kế hoạch hóa gia đình, đặc biệt là phụ nữ nghèo, gia đình sinh ít con, giáo dục cho họ ý thức tự vươn lên, làm giàu.
Huy động và lồng ghép nguồn vốn trong thực hiện các Chương trình, dự án để hỗ trợ tập trung phát triển sản xuất, hỗ trợ có hiệu quả các mô hình có khả năng nhân rộng. Cung cấp thông tin về thị trường nông sản cho người dân, hỗ trợ kỹ thuật nông nghiệp để giúp những nông dân nghèo nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Đầu tư kết cáu hạ tầng làng nghề truyền thống và cung cấp thông tin để phát triển, mở rộng các làng nghề truyền thống.
Xuân Bính