Số đông ở nhà lao động và đi học. Mùa nghỉ hè, đi đào kênh thủy lợi với lời hát rộn rã: “con kênh ta đào có em và có anh”, đi khai hoang tăng gia, đêm về sinh hoạt Hội Liên hiệp Thanh niên giải phóng ở xã, thôn, rồi chương trình văn nghệ, mở lớp dạy chữ, xóa mù khắp nơi nơi... Là thế hệ thanh niên đủ các thành phần: con nông dân, tiểu thương, làm thuê, con công chức, quân đội Sài Gòn cũ, giàu nghèo khác nhau. Nhưng lạ! Ai ai cũng hồ hởi sống trong thanh bình, đương nhiên kinh tế thời đó rất khó khăn.
Và cứ sống, lao động như thế, sau 6 năm thống nhất nước nhà, khi bắt gặp bài thơ: “Nếu không có ngày Ba mươi tháng Tư” của nhà thơ Đinh Thị Thu Vân trên báo năm 1981, chúng tôi đồng cảm ngay, đón nhận một cách nồng nhiệt. Nói cách khác, bài thơ đã bộc lộ giúp tâm tư, suy nghĩ của chúng tôi thời đó một cách nhẹ nhàng. Mở đầu bài thơ, bằng giọng tâm tình:
Đừng trách gì nhé anh, hãy nghe em kể hết...
Nếu không có ngày Ba mươi tháng Tư
Em giờ vẫn như thuở nào, sợ tay mình lấm đất
Sẽ không biết tự khuyên mình những lời nghiêm khắc nhất
Không một lần dám sống hy sinh.
Quả thật như thế, có người trong thế hệ thanh niên bấy giờ chưa biết gì là lao động chân tay, sống phần lớn là thu hẹp trong phạm vi bản thân, bạn bè, ít nghĩ suy vì một điều gì đó lớn lao hơn cho cuộc sống, nên rất đúng sẽ “Không một lần dám sống hy sinh”.
Thơ là hình tượng, là ước lệ, song thơ cũng thật tuyệt vời khi thể hiện được những điều rất thực. Ngôn ngữ, lời nói được nhà thơ “sắp xếp” sao mà đi vào lòng chúng tôi đến thế. Chỉ khi sống trên các công trường thủy lợi lớn, nhỏ, các nông trường sản xuất của lực lượng thanh niên, mọi người mới tự nhận ra mình:
Em sẽ không hề nghĩ đến mầm cây khi nhìn những giọt mưa
Có thể rồi sẽ quên cả màu của lúa
Quên bài địa lý quê hương, những miền nào đất đen, đất đỏ
Sẽ nhọc nhằn khi định nghĩa chữ “dòng kênh”.
Ngày ấy, cả miền Nam như là một đại nông trường khai hoang, phục hóa, đâu đâu cũng tăng gia sản xuất, đêm về dạy và học chữ, văn nghệ. Dưới những cánh đồng là những nông dân bao đời cần cù, trên các nông trường mới mở, các công trình đại thủy nông là Thanh niên xung phong...
Thời gian, lao động, rèn luyện, dần dà cuộc sống mở ra nhiều chân trời mới bằng những trực quan sinh động, đó là thành quả núi đồi khô khốc đã phủ lên xanh, vùng đất trũng sình lầy thành những cánh đồng lúa vàng, vùng khô hạn đã có những dòng nước mát chảy qua... Dần dà tâm hồn cũng chuyển biến theo hình ảnh quê hương đổi thay:
Sẽ… rất nhiều, anh hiểu phải không anh
Ngày tháng trước em là con ốc nhỏ
Con ốc đa nghi cuộn mình trong lớp vỏ
Sống vô tình mà ngỡ sống thông minh.
Thì nay, bỗng vỡ òa trong một cuộc sống mới, phát hiện nhiều điều mới và có thể nói đã thay đổi nhiều về nhân sinh quan, về xã hội.
Càng về cuối bài thơ, tác giả đã nói hộ thế hệ thanh niên nhiều điều, nhưng điều lớn lao nhất của bài thơ lại là điều lớn lao của lịch sử dân tộc. Bài thơ “Nếu không có ngày Ba mươi tháng Tư” chỉ nói một khía cạnh cụ thể của tâm hồn, một mảng cụ thể của cuộc sống mà khái quát cả một giai đoạn lịch sử chuyển biến, trưởng thành của thế hệ thanh niên năm 1975. Tháng Tư ơi xin đẹp mãi tâm hồn.
Đình Hy