Chúng tôi lên xã Phước Kháng vào một ngày giữa tháng 4, đã xế chiều nhưng cái nắng vẫn gay gắt. Người dân vùng cao giàu truyền thống cách mạng, không chịu đói nghèo, chắt chiu từng giọt nước trồng hoa màu tạo thêm thu nhập, vừa tận dụng lá cây làm thức ăn cho gia súc. Tinh thần vượt khó của bà con đã làm nên cánh đồng đậu xanh trải dài.
Nước bơm từ hồ Bà Râu tưới cho 30 ha cây đậu xanh ở xã Phước Kháng.
Tiếp sức cho nông dân vượt qua khó khăn do hạn hán, vụ đông-xuân 2015-2016, được sự hỗ trợ của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi, huyện Thuận Bắc đặt 2 máy bơm "dã chiến" hút nước từ lòng hồ Bà Râu lên tưới cho 30 ha đậu xanh. Chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện được tỉnh đánh giá cao do có cách làm linh hoạt, thể hiện tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên vì Nhân dân phục vụ. Ngay từ khi lắp đặt đường ống dài 100m, bơm nước từ lòng hồ Bà Râu ngược lên vùng đất “khát” vào đầu tháng 4, huyện đã cử cán bộ trực tiếp về cơ sở hướng dẫn nông dân tổ chức sản xuất trong mùa hạn hán đúng cách để đạt kết quả cao. Anh Katơ Giang, thôn Cầu Đá, thổ lộ: Sự nhiệt tình của cán bộ khuyến nông huyện đã khuyến khích bà con địa phương không để cho “đất nghỉ”.
Mồ hôi, công sức của cán bộ, bà con nơi đây đã mang lại màu xanh trên vùng đất “khát”. Những ngày này, xã Phước Kháng vinh dự đón nhiều đoàn công tác về tham quan mô hình trồng cây đậu xanh trên đất lúa. Đồng chí Võ Chi, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc, chia sẻ: Kinh nghiệm canh tác cây trồng cạn có hiệu quả của địa phương là biết khai thác, sử dụng nguồn nước hợp lý. Mặc dù nước ở hồ Bà Râu cạn dần mỗi ngày, nhưng nhờ áp dụng phương pháp điều tiết tưới luân phiên, nên đất luôn đủ độ ẩm, đảm bảo cho cây trồng phát triển suốt cả mùa vụ. Thành công từ mô hình có ý nghĩa thiết thực, tạo thu nhập đáng kể cho Nhân dân ổn định cuộc sống trong mùa hạn hán, vừa có tác dụng làm thay đổi tập quán canh tác lạc hậu của bà con vùng cao.
Công tác chuyển đổi cây trồng cạn ở huyện Thuận Bắc tạo ra kỳ tích mới, chứng kiến niềm vui được mùa đậu xanh của nông dân mới biết được vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương là rất quan trọng. Vùng đất trồng lúa rộng hơn 100 ha nằm cuối nguồn kênh Bắc, thuộc địa bàn thôn Láng Me, xã Bắc Sơn liên tiếp nhiều vụ liền thiếu nước ngưng sản xuất. Đến vụ đông-xuân 2015-2016, huyện hạ quyết tâm đưa nước về vùng đất “khát” để trồng cây đậu xanh. Chạy đua với lịch thời vụ, từ đầu tháng 3, huyện đã đặt 2 trạm bơm dã chiến hút nước từ kênh Bắc lên phục vụ sản xuất, đến nay đậu xanh đã đến kỳ thu hoạch, năng suất bình quân đạt trên 1 tấn/ha.
Đồng chí Võ Chi cho biết thêm: Huyện ủy, UBND huyện xác định thực hiện có hiệu quả chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với hạn hán là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, tập trung chỉ đạo quyết liệt thông qua ban hành chỉ tiêu pháp lệnh giao cho các xã có trách nhiệm vận động Nhân dân tổ chức thực hiện ở từng xứ đồng cụ thể, coi đây là cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ cả năm. Theo đó, vụ đông - xuân 2015-2016, toàn huyện chuyển đổi hơn 398 ha đất lúa sang trồng các loại cây màu. Đến nay có 35 ha đậu xanh đã hái lứa đầu, năng suất ước đạt 1,1 tấn/ha. Lợi nhuận trồng cây đậu xanh cao gấp đôi so với lúa đã tạo được niềm tin để nông dân tiếp tục chuyển đổi ở những vụ sau. Theo kế hoạch, vụ hè - thu 2016, huyện tiếp tục thực hiện chuyển đổi cây trồng cạn thích ứng với biến đổi khí hậu ở quy mô lớn hơn. Huyện dự kiến đặt thêm 4 máy bơm lấy nước từ suối Vườn Gòn để sản xuất 50 ha đậu xanh ở đồng Láng, thuộc địa bàn xã Công Hải; đồng thời, đề nghị tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng 2 trạm bơm phục vụ tưới lâu dài cho vùng chuyển đổi tại khu vực đồng Láng Me, xã Bắc Sơn, với diện tích 150 ha và đồng Láng Lớn, xã Công Hải, diện tích 200 ha.
Với việc chủ động xây dựng phương án hữu hiệu đưa nước tưới lên những vùng đất “khát”, tin rằng công tác chuyển đổi cây trồng cạn ở huyện Thuận Bắc sẽ được triển khai một cách đồng bộ, đảm bảo bền vững, đạt hiệu quả cao trong vụ hè - thu tới và những năm tiếp theo.
Tuấn Anh