Theo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh, cơ quan điều phối vận hành Quỹ CBG, mục tiêu của tiểu dự án là đầu tư máy móc thiết bị, nhà xưởng; xúc tiến thương mại và cung cấp cây giống, bao tiêu sản phẩm cho nông dân; ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào cho cơ sở, DN; ổn định và nâng cao giá trị đầu ra cho sản phẩm, tạo việc làm và tăng thu nhập cho lao động tại DN và nông dân tham gia dự án. Ông Nguyễn Văn Mọi, Giám đốc DN và là chủ trang trại nho Ba Mọi, cho biết: “Tiểu dự án liên kết giữa DN chúng tôi với nông dân có tổng vốn là 1,595 tỷ đồng, trong đó có trên 764 triệu đồng được hỗ trợ từ Quỹ CBG và trên 830 triệu đồng vốn đối ứng của DN, bắt đầu triển khai từ giữa tháng 5-2015, đến nay DN đã hoàn thành đầu tư mua mới 2 máy sấy táo, lắp đặt 2 băng tải phân loại táo và xây dựng thêm nhà xưởng với diện tích 500m2”. Thực hiện theo cam kết, DN còn thuê đơn vị tư vấn lắp đặt 6 biển hiệu quảng cáo và kết hợp đăng thông tin trên tạp chí cẩm nang du lịch của tỉnh, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức được 2 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho nhóm cùng sở thích (CIGs) trồng nho, táo tham gia liên kết tiểu dự án.
Nông dân trồng táo xã Phước Vinh ổn định đầu ra nhờ liên kết tiêu thụ với DN tư nhân Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Ba Mọi.
Nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, trước đó, DN nho Ba Mọi đã xây dựng sản phẩm nho, táo ăn tươi theo tiêu chuẩn VietGAP nên rất được thị trường ưa chuộng; có trên 70% sản lượng sản phẩm của DN chủ yếu tiêu thụ tại thị trường ngoài tỉnh. Đặc biệt từ nguồn nguyên liệu nho địa phương, Trang trại nho Ba Mọi đã làm ra các sản phẩm như: Rượu vang nho, nước ép nho. Trước khi có dự án, thị trường chủ yếu của DN là TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh với 6 cửa hàng, đại lý, siêu thị, bình quân có sản lượng tiêu thụ hàng tháng là 74 tấn nho, táo tươi và 200 chai rượu nho. Sau khi có dự án tác động, sản phẩm của DN được mở rộng tiêu thụ tại Đà Nẵng, Vinh (Nghệ An), mỗi tháng cung cấp cho 2 thị trường này thêm khoảng 3 tấn nho, táo tươi và 50 chai rượu nho. Với vai trò đồng hành phát triển chuỗi giá trị nho, táo của nông dân trong tỉnh, DN đã ký 5 hợp đồng liên kết sản xuất với 2 CIGs trồng nho xã An Hải và 3 CIGs trồng táo xã Phước Vinh thuộc vùng Dự án Hỗ trợ Tam nông huyện Ninh Phước, với 82 hộ nông dân tham gia, bao gồm: 25 hộ trồng nho và 57 hộ trồng táo.
Kể từ khi ký hợp đồng liên kết với nông dân (tháng 6-2015), DN Ba Mọi đã thu mua của nông dân được 39,306 tấn nho, táo tươi của 13/82 hộ liên kết. Nếu năm 2014, sản lượng thu mua bình quân mỗi tháng của DN là 39 tấn nho và 45,2 tấn táo, thì trong năm 2015 tăng lên 42 tấn nho, tăng 7,7% và 50 tấn táo, tăng 10,6%.
Như vậy có thể thấy sau khi có dự án, sản lượng nguyên liệu của DN tăng lên nhờ thu mua thêm sản phẩm của một số hộ nông dân liên kết. Đáng chú ý là sau đầu tư của tiểu dự án, ngoài sản phẩm nho, táo thu mua trong các CIGs liên kết, DN còn thu mua thêm sản phẩm của khoảng 50 hộ dân ngoài vùng dự án, qua đó đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ của khách du lịch và thị trường ngoài tỉnh.
Có thể thấy trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh, dưới tác động của tiểu dự án “Xưởng sơ chế và chế biến sản phẩm nho, táo sau thu hoạch”, nông dân trồng nho, táo sẽ có đầu ra sản phẩm ổn định và xác lập được mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân với nông dân và giữa CIGs với DN. Đối với DN, không chỉ có vai trò quan trọng trong giải quyết đầu ra, tiêu thụ sản phẩm của nông dân trồng nho, táo, mà còn có trách nhiệm giúp nông dân làm ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường như phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và đảm bảo an toàn, chất lượng. Khi dự án đạt hiệu quả, các hình thức liên kết nói trên sẽ được nhân rộng nhằm góp phần tăng thu nhập cho nông dân và phát triển chuỗi giá trị nho, táo trong tỉnh.
Bạch Thương