(NTO) Tỉnh ta là một trong những tỉnh khô hạn nhất cả nước, thế nhưng trong khó khăn đó lại được “bù đắp” bằng một số giống, cây trồng riêng có và trở thành đặc sản, tạo nên “thương hiệu” cho tỉnh. Đến nay, một số sản phẩm đã được cấp Văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ như: Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Nho Ninh Thuận; Nhãn hiệu tập thể Táo Ninh Thuận, Tỏi Phan Rang, Rau an toàn Văn Hải, Măng khô Bác Ái...nhờ đó bước đầu các sản phẩm nêu trên đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến, nhất là nho, táo xanh và tỏi đã trở thành những mặt hàng truyền thống của địa phương. Tuy nhiên, thực tế phải nhìn nhận rằng, việc phát triển Chỉ dẫn địa lý, Nhãn hiệu tập thể... các sản phẩm này còn nhiều lúng túng, chưa hiệu quả. Nguyên nhân chủ yếu là do các ngành liên quan chưa quan tâm đúng mức, chưa xác định rõ trách nhiệm trong phát triển chuỗi giá trị sản phẩm từ khâu xây dựng Văn bằng bảo hộ đến sản xuất, bảo quản, chế biến, đưa sản phẩm ra thị trường.
Nông dân xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) trồng táo xanh theo tiêu chí VietGAP cung cấp sản phẩm
cho các doanh nghiệp thu mua tiêu thụ trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Sơn Ngọc
Mặt khác, về phía người sản xuất, doanh nghiệp tiêu thụ nông sản chưa nhận thức đầy đủ về giá trị thương hiệu sản phẩm nên việc xây dựng và phát triển còn hạn chế dẫn đến năng lực cạnh tranh trên thị trường thấp. Thêm vào đó, hoạt động sản xuất của nông dân trong tỉnh đa số còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa mạnh dạn áp dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao hiệu quả cả về sản lượng đủ cung ứng cho nhu cầu thị trường và giá trị; chưa tạo liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị để bảo đảm tính bền vững…
Có thể nói, thương hiệu nông sản đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, góp phần đẩy mạnh sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho cả nông dân và doanh nghiệp. Do vậy, cần tiếp tục xây dựng và phát triển thương hiệu trên cơ sở phát triển các sản phẩm chủ lực của vùng, miền. Cần rà soát, bổ sung quy hoạch theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, dựa trên lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực. Thực tế cho thấy, vấn đề quan trọng là thay đổi tư duy và phương pháp đầu tư, chuyển từ đầu tư theo “đoạn” sang đầu tư theo “chuỗi” sản xuất để nâng cao giá trị. Để khắc phục tình trạng sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống, công nghệ lạc hậu, cũng cần chú trọng áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến một cách đồng bộ tại các khâu giống, sản xuất và chế biến… như phát triển công nghệ sinh học, áp dụng rộng rãi VietGAP trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng và gia tăng giá trị của sản phẩm… gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu. Ngoài ra, cần tăng cường đầu tư cho công tác điều tra, nghiên cứu, dự báo thị trường; tổ chức hội chợ triển lãm trong tỉnh, trong nước… để các DN có cơ hội tham gia giới thiệu, quảng bá các hàng hóa chủ lực của địa phương. Trước mắt, cần củng cố lại một số Hiệp hội, nhất là Hiệp hội Nho để quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Ninh Thuận cho sản phẩm Nho; lựa chọn đơn vị tiếp nhận quản lý và phát triển Nhãn hiệu tập thể Táo Ninh Thuận, Tỏi Phan Rang; tìm kiếm một số doanh nghiệp hoặc HTX có năng lực để tiêu thụ ổn định một số sản phẩm đặc thù của tỉnh...
Để xây dựng và phát triển thương hiệu cho nông sản trong tỉnh đủ sức cạnh tranh trước hết là trên “sân nhà” thiết nghĩ cần triển khai đồng bộ các giải pháp chủ yếu đã nêu, trong đó tỉnh cần có chiến lược phát triển nông sản bền vững dựa trên mối quan hệ hữu cơ giữa sản phẩm nông nghiệp với con người và môi trường xã hội.
T.D