Huyện Thuận Bắc, một trong những địa phương đi đầu trong việc chuyển đổi cây trồng cạn. Toàn huyện hiện có 400ha đất sản xuất đã thực hiện chuyển đổi sang trồng đậu xanh, bắp và cỏ chăn nuôi, trong đó chủ yếu là cây đậu xanh. Mặc dù bước đầu thực hiện gặp nhiều khó khăn do người dân chưa quen canh tác cây trồng mới, phần vì ngại chuyển đổi do lo lắng đầu ra cho sản phẩm. Nhưng qua vận động và hỗ trợ nhiều chính sách phù hợp, nên người dân đã yên tâm chuyển đổi cây trồng theo đúng kế hoạch. Phần lớn diện tích cây trồng đang phát triển tốt, hứa hẹn cho năng suất khá và ổn định.
Chuyển đổi trồng cây bắp tại huyện Ninh Phước.
Như nhiều hộ dân trong vùng, hộ ông Trần Văn Đắc (thôn Láng Me, xã Bắc Sơn, Thuận Bắc) cũng khá lo lắng khi lần đầu tiên chuyển đổi 3 sào đất lúa sang trồng cây đậu xanh. Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong việc hướng dẫn cách chăm sóc và tạo đầu ra cho sản phẩm sau thu hoạch, nên ông rất phấn khởi, tin tưởng: Đậu xanh là cây ngắn ngày, chịu hạn tốt. Một tháng chỉ cần tưới 2-3 lần, cây vẫn sinh trưởng bình thường. Trong điều kiện thiếu nước sản xuất, nước từ hồ Sông Trâu phải điều tiết hạn chế 1 tuần/lần, nhưng không lo cây thiếu nước. Thời gian tới, gia đình sẽ mở rộng diện tích chuyển đổi để đỡ lo thiếu nước trong mùa hạn.
Để hỗ trợ người dân chuyển đổi cây trồng cạn hiệu quả, UBND huyện Thuận Bắc đã làm việc với Công ty TNHH MTV Nông Hưng Phát (Bình Thuận)-đơn vị cung cấp giống cây trồng chịu hạn ký kết hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm sau thu hoạch trên địa bàn huyện Thuận Bắc với giá sàn 20 ngàn đồng/kg đậu xanh và 5 ngàn đồng/kg bắp. Nếu giá lên thì thu mua theo giá thị trường, nếu giá xuống thì mua theo giá sàn. Ông Tôn Long Dũng, Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn, cho biết: So với sản xuất lúa thì cây đậu xanh cho thu nhập cao hơn. Qua thực tế tại khu vực dọc kênh Bắc, người dân đã thu hoạch đậu xanh sớm với năng suất 2,5 tạ/sào, cho thu nhập 6-7 triệu đồng/sào, trong khi đó cây lúa chỉ cho thu nhập khoảng 4 triệu đồng.
Người dân xã Phước Hà (Thuận Nam) thu hoạch đậu xanh.
Cùng với huyện Thuận Bắc, huyện Thuận Nam cũng đã chuyển đổi diện tích cây trồng cạn theo kế hoạch trên 400ha. Trong đó, tập trung tại các vùng hạn như Phước Nam, Nhị Hà, Phước Hà và Phước Ninh. Tại xã Phước Hà, một số vùng thuộc thôn Trà Nô, cây đậu đã cho thu hoạch vụ đầu với diện tích trên 5ha. Ông Đàng Sỹ Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hà, cho biết: Hiện đậu xanh đang được bán tại địa phương có giá 27.000-29.000 đồng/kg nên bà con rất phấn khởi. Bởi so với cây lúa, cây đậu xanh cho hiệu quả kinh tế cao hơn, thời gian sinh trưởng ngắn chỉ từ 60-65 ngày. Và quan trọng nhất là không phải sử dụng nhiều nước tưới, đỡ công chăm sóc, phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Nam, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện đã chủ động rà soát diện tích vùng không chủ động nước, lên phương án chuyển đổi cây trồng phù hợp. Huyện cũng đã cử cán bộ Khuyến nông trực tiếp theo dõi tình hình phát triển của cây trồng để kịp thời hướng dẫn, khuyến cáo người dân cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Cùng với việc chuyển đổi này, huyện đã có sự liên kết với Công ty Giống cây trồng Nha Hố là đơn vị cung cấp giống, bao tiêu luôn sản phẩm để bà con yên tâm sản xuất…
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động, kết hợp với tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật canh tác và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm đã tạo sự đồng thuận và niền tin của người dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Hiện toàn tỉnh đã có 1.300ha đất sản xuất không chủ động nước chuyển đổi sang các loại cây trồng cạn, vượt kế hoạch đề ra trong vụ đông-xuân này là phấn đấu chuyển đổi 1.031ha. Hầu hết các diện tích chuyển đổi, cây trồng đều phát triển tốt, hứa hẹn cho thu nhập khá và ổn định.
Tuy nhiên qua thực tế đánh giá của ngành Nông nghiệp, vẫn còn diện tích cây trồng canh tác chưa theo đúng quy trình kỹ thuật, nên phát triển chậm, năng suất chưa cao; việc triển khai ký hợp đồng bao tiêu giữa doanh nghiệp và người dân chưa phù hợp, tính ràng buộc trách nhiệm giữa các bên liên quan chưa rõ ràng, chặt chẽ. Vì vậy để đảm bảo thực hiện tốt việc chuyển đổi cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất trong điều kiện hạn hán, ổn định đời sống người dân, cần tăng cường sự phối hợp, liên kết giữa doanh nghiệp và địa phương trong việc hỗ trợ người dân từ khâu sản xuất đến bao tiêu sản phẩm. Mặt khác, hướng dẫn người dân biết dự trữ, chế biến phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn gia súc trong mùa khô hạn. Các địa phương lựa chọn một số hộ điển hình áp dụng đúng quy trình kỹ thuật canh tác để nhân rộng cho các hộ xung quanh; xây dựng kế hoạch sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với tình hình thực tế, nhất là việc đảm bảo nguồn nước tưới.
Anh Tuấn