Đồng chí Ngô Thị Cúc, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bác Ái, cho biết: Trước tình hình nắng hạn kéo dài, huyện đã chỉ đạo các địa phương triển khai công tác ứng phó hạn hán cụ thể; đồng thời, tập trung thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp theo hướng ít sử dụng nước, điều tiết nước hợp lý, tiết kiệm; thường xuyên theo dõi và hướng dẫn nông dân xuống giống, xuống vụ theo đúng kế hoạch và tinh thần chỉ đạo của ngành Nông nghiệp & PTNT.
Nông dân xã Phước Đại chủ động bơm nước tưới cho các diện tích mía bị khô hạn.
Nhờ đó, trong vụ đông-xuân này, toàn huyện gieo trồng được 954ha. Trong đó, cây lúa 370ha tập trung ở 3 xã Phước Tiến, Phước Tân và Phước Trung đang hưởng lợi nước tưới từ hồ Trà Co và hồ Phước Trung, số diện tích còn lại chuyển sang trồng bắp, đậu xanh, cỏ... Trạm Thủy nông huyện đã phối hợp chặt chẽ với các xã, có kế hoạch điều tiết nước và tưới luân phiên cho từng vùng một cách hợp lý và tiết kiệm. Bên cạnh đó, để đảm bảo cho đàn gia súc phát triển, huyện cũng đã chỉ đạo cho các địa phương vận động Nhân dân dự trữ nước uống, trồng thêm cỏ, tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp như rơm, rạ, thân cây bắp, đậu xanh… làm thức ăn cho gia súc. Trong trường hợp nắng hạn tiếp tục kéo dài thì chủ động di chuyển đàn gia súc đến khu vực lòng hồ, các dòng suối…, để đảm bảo nguồn nước và thức ăn.
Ông Nguyễn Đại Nghĩa, Trạm trưởng Trạm Thủy nông huyện Bác Ái, cho biết: Trong số 4 hồ trọng điểm cung cấp nước thường xuyên cho toàn huyện thì hồ Sông Sắt dung tích còn 17,2 triệu m³, Trà Co 6,95 triệu m³, Phước Trung 1,8 triệu m³ và Phước Nhơn còn 0,17 triệu m³. Căn cứ lượng nước hiện có, ngoài việc điều tiết nước hợp lý phục vụ sản xuất vụ đông-xuân, đơn vị còn tập trung ưu tiên cung cấp nguồn nước cho hệ thống cấp nước Phước Đại và Phước Tân, nhằm đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân các xã: Phước Thành, Phước Đại, Phước Thắng, Phước Tân và Phước Tiến. Riêng xã Phước Trung, nơi bị ảnh hưởng nặng nhất của nắng hạn, nay cũng đã có hệ thống cấp nước để người dân sử dụng. Các xã còn lại bà con tận dụng nguồn nước tự chảy để vượt qua hạn hán, giảm thiểu thiệt hại cho cây trồng.
Tại thôn Tà Lú 3, xã Phước Đại, những ngày qua, nhiều hộ dân cũng đang tích cực đào ao tích trữ nước, đầu tư máy bơm dẫn nước từ hồ Song Sắt cách đó khoảng 300m về tưới cho ruộng mía, mỳ và cỏ chăn nuôi. Anh Đặng Văn Phóng, xã Phước Đại, cho biết: Để đảm bảo nguồn nước tưới cho 4ha mía và mỳ trong mùa nắng hạn, gia đình đã đầu tư 4 triệu đồng thuê máy múc đào ao sâu, hai bên đều khoét rãnh để dẫn nước từ mương vào ao chứa, nên nguồn nước trong ao được tích trữ thường xuyên. Ngoài ra, anh còn đầu tư thêm một máy bơm, với trên 30m ống để bơm nước đến ruộng mía và mỳ. Nhờ đó, toàn bộ diện tích mía và mỳ phát triển xanh tốt.
Riêng tại xã Phước Trung, ngay từ đầu tháng 3, UBND xã đã trích nguồn kinh phí chống hạn (năm 2015) 1,7 tỷ đồng, hỗ trợ Nhân dân đào mới và nạo vét 34 ao (trong đó, đào mới 3 cái) ở các lòng suối; sửa chữa 16 bể chứa nước công cộng và 1 giếng khoan để đưa nước về cho người dân các thôn sử dụng. Xã còn vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí đào thêm 13 cái giếng khác cho người dân trên địa bàn. Đồng chí Trần Quý Dương, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Nhờ triển khai các biện pháp chống hạn sớm, nên địa phương đã giải quyết được tình trạng thiếu nước sản xuất và cho gia súc. Đối với nước sinh hoạt cho người dân, nay đã có hệ thống cấp nước dẫn về tận nơi, nên cơ bản đảm bảo đủ để người dân sử dụng. Đặc biệt, để đảm bảo nguồn thức ăn và nước uống cho đàn gia súc, hiện nay, nhiều hộ chăn nuôi có số lượng đàn lớn đã chủ động di chuyển đàn về khu vực thôn Ba Tháp (xã Bắc Phong, Thuận Bắc) và một số vùng gần các lòng hồ thủy lợi, khe suối nơi có nguồn nước.
Với sự nỗ lực của chính quyền địa phương và tinh thần chủ động ứng phó hạn hán của người dân, tin rằng huyện Bác Ái sẽ vượt qua nắng hạn, giảm bớt khó khăn trong sản xuất và đời sống của Nhân dân.
Tiến Mạnh