1. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra cảnh báo về một cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng nghiêm trọng nếu virus Zika lan rộng ra ngoài khu vực Mỹ Latinh và Caribe.
Tổng Giám đốc WHO, bà Magaret Chan cho biết, hiện virus Zika đã xuất hiện ở 59 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng tại Bazil, hiện nay đã xác nhận 860 trường hợp trẻ sơ sinh mắc hội chứng đầu nhỏ được cho là do virus Zika gây ra. Nước này cũng đang kiểm tra hơn 4.200 trường hợp nghi mắc dị tật này.
Xét rộng hơn trên toàn khu vực Mỹ Latinh, virus Zika đang gây ra một gánh nặng lớn về y tế. WHO cho biết, thế giới cần 25 triệu USD để đối phó với virus Zika, nhưng đến nay tổ chức này mới chỉ nhận được 3 triệu USD và đang tiếp tục đàm phán để nhận được thêm 4 triệu USD.
Binh sỹ Brazil được huy động tham gia chiến dịch diệt muỗi Aedes aegypti.
Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh của Mỹ đã ghi nhận hơn 10 trường hợp nhiễm virus Zika sau khi những người này du lịch từ Mỹ Latinh trở về. WHO cũng cảnh báo, virus Zika có thể lây lan toàn cầu, trừ Canada và Chile – 2 quốc gia chưa xuất hiện muỗi vằn.
Sau nước Mỹ, hàng loạt quốc gia như Anh, Pháp, Đan Mạch, Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan, Thụy Sĩ cũng đã ghi nhận một vài trường hợp nhiễm virus Zika. Thực tế, Zika không phải loại virus mới. Loại virus này được phát hiện đầu tiên tại ngôi làng Zika ở Uganda vào năm 1947. Tuy nhiên, mức độ bùng phát như hiện nay được xem là hiện tượng chưa từng có.
Câu chuyện bùng phát dịch Ebola tại Tây Phi năm 2014 cướp đi sinh mạng của hơn 10.000 người đã chỉ ra một điều rằng một loại virus không mấy phổ biến có thể bùng phát thành đại dịch nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời.
2. Khủng bố gây ra hàng loạt vụ nổ làm rung chuyển thủ đô Brussels của Bỉ- trái tim của châu Âu vào ngày 22-3, khiến cả thế giới bàng hoàng.
Hai vụ nổ liên tiếp ở sảnh đi của sân bay Zaventem và tại ga tàu điện ngầm Maalbeek ở thủ đô Brussels khiến hơn 30 người chết và hàng trăm người bị thương. Hội đồng Bảo an LHQ đã ngay lập tức kịch liệt lên án loạt vụ tấn công kinh hoàng này, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế và khu vực tăng cường nỗ lực nhằm đối phó với chủ nghĩa khủng bố cực đoan.
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ngay lập tức nhận trách nhiệm về các vụ đánh bom này. Nhiều ý kiến cho rằng đây là sự “trả đũa” việc lực lượng an ninh Bỉ, phối hợp với cảnh sát Pháp ngày 18-3 đã bắt được Salah Abdeslam, một trong những tên cầm đầu thực hiện các cuộc tấn công đêm 13-11-2015 tại Paris, khiến 130 người thiệt mạng.
Nhìn lại những vụ tấn công khủng bố gần đây ở châu Âu, có thể thấy “một chuỗi” các cuộc trả thù đẫm máu. Cuộc xả súng tại tòa soạn báo Charli Hebdo tại Paris ngày 7-1-2015, sát hại 16 người, là lời răn đe những kẻ dám lấy nhà tiên tri Mohamed của đạo Hồi làm hình tượng châm biếm. Cuộc tấn công tại Paris đêm 13-11-2015, khiến 130 người thiệt mạng, là đòn “trả đũa” việc Pháp quyết định không kích IS tại Syria.
Mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực trong việc ngăn ngừa hiểm họa khủng bố, nhất là trong hợp tác an ninh giữa Bỉ, Pháp và các nước thành viên EU, nhưng sự kiện sáng 22-3 tại Brussels cho thấy mọi thứ còn chưa đầy đủ. EU đang khó khăn trong việc tìm lời giải cho một bài toán hóc búa, khi cuộc xung đột Trung Đông chưa chấm dứt, khi dòng người tỵ nạn vẫn ùn ùn đổ tới và khi sự thống nhất của Liên minh đang bị những toan tính cá nhân của nhiều thành viên đe dọa.
PV